Cô Liêm là giáo viên dạy văn và cũng là cô giáo chủ nhiệm của
tôi năm lớp 8. Cô là giáo làng, giáo làng chính hiệu. Ông bà cô ở cái xã nghèo
nàn này, bố mẹ cô cũng ở đây rồi sang đời cô vẫn bám chẳng rời mảnh đất cằn cỗi
chỉ mưa và nắng. Cũng như bao giáo làng khác ngoài khoảng thời gian đứng giảng
trên trường cô lại quay về với cái chất nông dân lam lũ, mộc mạc mà cha mà mẹ
cô đã sinh ra và để lại cho cô. Quê tôi nghèo, đồng lương giáo viên chả được mấy
nên buổi làm giáo, buổi cô lại về úp mặt với ruộng với vườn, bởi vầy giáo viên thời
cũng chẳng sướng hơn nông dân là mấy, chẳng thế mà cô lại mang một gương mặt
đen xạm đầy tàn nhan, gò má cao và những nếp nhăn thì hằn xâu như được ai đó
dùng đục mà khắc vào trán.
Cô Liêm hiền lắm, hiền tới mức mà nó tạo thành thương hiệu
riêng của cô ở cả cái trường xã con con dảo ấy, nói đúng ra thì cô chính là mẫu
giáo mà đám con trai tụi tôi hằng ao ước, cô chẳng bao giờ quát đứa nào một tiếng
dù chúng nghịch gì chăng nữa, môi lần có chuyện là cô lại nhìn bọn tôi rồi cười
hiền lắc lắc cái đầu nói “đừng thế nữa, bọn em biết nó không hay mà đúng
không?” với bất kể ai cô cũng dùng ánh mắt ấy, với bất kể tội trạng nào cô cũng
dùng nụ cười ấy và với bất kể lỗi lầm nào cô cũng dùng câu nói ấy, nó như một
bùa trú chẳng cần những cái cốc đầu hay những lời quở trách mà vẫn hiệu nghiệm.
Ngày biết tin cô sẽ chủ nhiệm lớp mình đám tụi tôi hò hét
như được mua cho thứ đồ chơi mới, tôi thời còn mừng hơn nữa, bởi lẽ ngoài cái
việc được một cô giáo hiền từ như vậy chủ nhiệm cô là cô giáo dạy văn đầu tiên
đồng hành cùng bọn tôi trong một năm học. Tôi là thằng ưa viết lách, văn luôn
là môn giúp tôi vớt vát các môn còn lại trong khi xét điểm học sinh tiến tiến mỗi
kỳ thế nên còn gì tuyệt hơn được một cô giáo dạy văn kèm cặp từng ngày có phỏng?
Và quả đúng như chúng tôi mong đợi, cô để lại nhiều kỷ niệm
đẹp trong lòng chúng tôi, cô đọc nhiều nên hay kể chuyện vào mỗi giờ sinh hoạt
15 phút sáng hay sinh hoạt cuối tuần, những câu chuyện của cô chẳng có trong
sách, hoặc có thể có nhưng đám con nít nhà quê chúng tôi chưa từng được đọc qua
bao giờ nên thích thú lắm, cô kể cả những chuyện làng nữa, chuyện về cái chùa
Cao linh thiêng ngay trên đỉnh núi sau trường, về cái giếng Nghè to nhất xã xây
từ dảo còn phong kiến nhưng vì quy hoạch đường xá đã bị lấp đi gần hết để nay
chỉ còn lại một khoanh miệng giếng nho nhỏ nằm ven bờ cỏ um tùm, rồi cô kể về chuyện
người trong làng, những ông Tấu, bà Thành điên, những o Câm, Cố Như hay Thắng
Ngây… toàn ư những số phận bất hạnh sống ngày này qua ngày khác với nỗi cô đơn,
buồn tẻ, và hiu quạnh đến hết đời trong xóm 202 và thi thoảng cô cũng kể về
chuyện đời cô nữa… Cô kể cho cả lớp tôi nghe dảo trước có người thương cô ngỏ lời
xin cưới và hứa sẽ việc cho cô dưới trường huyện không chỉ thoát hẳn khỏi đồng
ruộng mà lương lậu cũng ổn hơn nhưng cô không chịu. Cô bảo ai cũng đòi đi tới
những chỗ tốt thì ai dạy tụi nhỏ nghèo như ở quê tôi, thế rồi cô khước từ, rồi
khước từ luôn cả tình cảm của người ấy, cô kể cả về người chồng đi chiến trường
của cô để lại đứa con nhỏ, biệt tẳm biệt tăm thi thoảng thấy đôi ba dòng gửi về
rồi chẳng thấy nữa, sau chiến tranh cô cứ đợi mãi chả thấy chú về để cô gần hết
đời người mòn mỏi chờ đợi từng ngày nuôi con khôn lớn… Những câu chuyện của cô
đượm buồn nhưng dảo đó khơi dậy trong lòng tôi những điều mơ hồ rất, nó như một
điều gì đó khắc khoải và vương vấn, có hum khiến tôi đêm nằm mà suy nghĩ về những
câu chuyện đó cả đêm, đến khi ngủ quên đi giấc mơ vẫn vương vãi những nhân vật
trong chuyện cô kể…
Ấy thế nhưng điều tôi nhớ nhất về cô lại đến trong một kỷ niệm
buồn… Gần cuối học kỳ một năm đó trường tôi có tổ chức thi học sinh giỏi các
môn để chọn người ra đi thi Huyện, hum đang ngồi trong lớp tôi thấy con bạn phi
thẳng vào báo tôi có tên trong danh sách thi Văn xét tuyển dưới bảng tin đầu cổng
trường, bỡ ngỡ rất, bởi tôi chẳng bao giờ lại đi đăng ký mấy thứ đó cả, tôi vốn
không thích thi mí cử từ trước, với nữa bọn học văn trong trường toàn bọn siêu,
đâu đến lượt. Thắc mắc mãi mới hay rằng thằng bạn nó lấy tên tôi ghi vào khi nó
đăng ký thi toán, chả phải vì tài cán gì của tôi mà nó chỉ định chọc tôi thôi.
Cơ mà đến buổi sinh hoạt cô cứ khen tôi dũng cảm này nọ khiến tôi cảm thấy ngọt
tai, rồi khi cái sĩ diện nó lên tiếng thì tôi tôi tặc lưỡi mặc kệ liều thử
Ngày công bố kết quả tôi đứng đầu danh sách 18 người thi với
11 điểm, điều mà ngay cả tôi cũng không ngờ nổi. Cô gặp tôi mừng rỡ, cứ tuyên
dương đi tuyên dương lại trước lớp trong khi mấy thằng thi toán, lý, hóa cô chỉ
lướt qua (mấy thằng này thuộc dạng khủng của trường) điều đó làm tôi ngượng chín
cả mặt. Kể từ đó chiều nào cũng như chiều nào cô bắt tôi đạp xe qua nhà cô để
cô kèm thêm cho tôi trước khi đến kỳ xét duyệt đợt 2 chọn ra 2 người đi thi huyện.
Cô ở trong căn nhà ngói nho nhỏ nằm tận gần cuối ngõ của làng bên, mà chẳng biết
nó là cái ngõ hay là đường đồi nữa tôi chỉ biết tôi đạp xe cong cả đít chẳng
lên được tới nơi toàn phải xuống dở chừng dắt xe lên nốt, miêng thở hồng hộc.
Người con duy nhất của cô đã có gia đình còn ư mỗi cô ở một mình, cái căn nhà 3
gian nằm im lìm với phía trái nhà là một ụ rơm to, xích lên chút là cái chuồng
trâu, trước nhà là vườn rau xanh mướt còn sau là vườn rộng mênh mông… Vào nhà
cô chẳng có gì đáng giá, thấy chỉ ư toàn sách là sách, cô nói đó là tài sản của
cô, ngoài con chữ ra cô chẳng có gì là giàu có bởi thế nên cô muốn truyền hết
cái con chữ cho những học trò của mình, mỗi lần nói về sách, về chữ cô lại vuốt
vuốt tóc tôi, còn con nít tôi cũng chả hiểu mấy chỉ biết cười cười đáp trả. Cô
đưa cho tôi nhiều sách lắm, toàn sách nâng cao, cô bắt tôi làm hằng ngày, cô bắt
tôi đọc nhiều sách nâng cao hơn, bảo tôi hãy đọc cách mà người ta viết và học hỏi
cách dùng từ, dùng câu của họ, kiến thức trong từng tác phẩm là chung nhau còn
từ ngữ của mỗi người vận dụng và lối hành văn là riêng tùy theo tâm hồn cảm nhận
của họ nên hãy đọc cùng một bài phân tích nhưng của nhiều người khác nhau để thấy
cái hay mà đúc rút. Nhưng cái đầu óc thơ dại của tôi dảo ý lại không hiểu ý cô,
tôi vận dụng lời dạy của cô một cách máy móc thay bằng việc xem cái hay của họ
mà học hỏi thì tôi lại như một chiếc máy photo đi cop lại bằng cách…học thuộc
lòng… Điều đó khiến bài thi thứ hai của tôi được tôi sáng tạo ra bằng cách chắp
vá từng đoạn tôi xem là hay nhất vào trong một bài và bởi vì chỉ việc chép lại
nên tôi luôn ngoe nguẩy vì tự đặc rằng cái hay trong tất cả cái hay thể nào chả
được lọt
Thế nhưng ngày công bố điểm xét duyệt lần hai bài viết của
tôi bị đánh trượt, và tất nhiên cô là người buồn hơn cả… Cô đưa bài viết cho
tôi xem với câu nhận xét đỏ thắm trên phần phê bình “Qúa rời rạc”. Cô hỏi:
-
Lần trước em cũng đi chép đúng không?
Tôi không trả lời rồi tự dưng ứa
nước mắt, cô thấy vậy kéo tôi lại xoa đầu nói tiếp:
-
Đừng khóc, em không sai, nhưng dù thế nào đi
chăng nữa em là con trai nên hãy là sống thật chính trực, lấy đồ của người khác
để tư lợi cho mình là điều không nên, em biết điều đó mà phải không?
Chuyến này nghe cô nói xong tôi ấm ức mà nấc hẳn, tôi vừa kể
vừa nấc tôi bảo tôi không ăn cắp, tôi kể bài viết trước hoàn toàn là của tôi,
tôi kể tôi chỉ chọn ra những đoạn hay nhất để tôi viết lại chư tôi không có ý
tư lợi gì cả… Mắt cô trùng hẳn xuống, cô lấy tay quệt nước mắt tôi rồi ôm tôi
và xin lỗi vì đã hiểu nhầm. Tôi thoảng nghe tiếng cô xụt xịt nhè nhẹ bên tai,
nhẽ cô cũng khóc.
Năm học gần kết thúc chúng tôi mới hay tin cô xin nghỉ hưu sớm,
ngày bế giảng cô lên chào lớp để về với ruộng vườn, cũng ở cùng xã thôi thế mà chả
hiểu sao mấy đứa con gái cũng khóc rưng rức, tôi thì tất nhiên mặt tiu ngỉu. Giờ
về cô gọi tôi lại, tặng tôi một cuốn văn nâng cao lớp 9 và mỉm cười:
-
Hãy trân trọng con chữ nhé! Và lại xoa đầu tôi.
Ào cái đã hơn chục năm, về quê thi thoảng vẫn gặp cô đi chợ,
vẫn người gầy gầy dong dỏng, gò má cao và gương mặt đen xạm, ánh mắt thì lúc
nào cũng hiền từ như trước chỉ có điều tóc nay đã bạc hơn nhiều và những nếp
nhăn thì khắc xâu hơn trước. Mỗi độ thấy cô là tôi lại chào thật to, cô vẫn nhớ
tôi và mừng khi biết dạo này tôi viết nhiều hơn trước. Chả biết sống như tôi có
được xem là chính trực hay chưa nhưng tôi thì tôi luôn trân trọng con chữ. Điều
đó làm mỗi lần tôi gặp cô tôi không có cảm giác áy náy gì với chuyện xưa hay với
cô cả, đó lại khiến cái kỷ niệm của tôi về cô thêm đẹp. Và cô thì tất nhiên vẫn luôn hiền như thế,
ngoại trừ việc là tôi đủ lớn để mỗi khi gặp cô không còn phải đưa tay xoa đầu nữa…
M!