Ai rồi cũng phải kinh qua cái khoảnh khắc ấy một lần
trong đời, sớm hay muộn, chóng vánh hay bịn rịn mãi không muốn rời xa nhưng rồi
cái thời khắc ấy nó cũng sẽ tới và đưa một ai đó đang gần gũi thân quen với bạn
tới một nơi xa tít tắp…
Tôi còn nhớ đó là vào mùa hè năm tôi học lớp 3 chuẩn
bị sang lớp 4. Bác tôi cho ông anh họ tôi từ mãi sông Bé về quê chơi. Đó là lần
đầu tiên tôi biết rằng tôi có anh em ruột thịt ở xa thế. Tôi chả biết sông Bé
là ở đâu chỉ thoáng mường tượng là ở đâu đó mãi trong nam nhưng trong cái tâm
tưởng của một đứa con nít như tôi dạo ý, cứ ai, ở đâu không biết, nếu mà là người
không phải sinh sống ở lũy tre làng tôi thì hẳn là đang sống ở một nơi tuyệt vời
với xe cộ nhộn nhịp, đèn nhấp nháy xanh đỏ, những chiếc kẹo ngọt tới muốn nuốt
luôn cả đầu lưỡi hay những cốc nước xanh đỏ tím vàng chưa một lần tôi từng được
uống nữa, nơi mà người lớn thường gọi với cái tên là “thành phố”. Thế là ngay từ
khi nhìn thấy ảnh, tôi đã cười toe toét để lộ cả hàm răng sún tới gần hết hàng
tiền đạo của mình và nhanh chóng lại gạ gẫm với ảnh ngay. Vì ảnh bằng tuổi tôi
nên suốt cả một mùa hè chúng tôi chả rời nhau lấy bước nào, tôi tò mò hỏi mọi
chuyện về chỗ ảnh đang ở cùng gia đình bác tôi còn ảnh thì gạ tôi đủ thứ để tôi
dắt đi bắt dế, bắt bọ xít làm xe đua hay đi ăn trộm ổi rồi trêu chó nhà bà hàng
xóm… nói chung là mấy trò mà ảnh chả mấy khi được chơi (sau này tôi mới biết là
vì bị bố mẹ quản chứ không phải là nhà ảnh ở thành phố, ngày ấy trong khu ảnh ở
cũng nghèo ngang ngửa với quê tôi thời bấy giờ). Mùa hè kết thúc, hôm ảnh cùng
bác tôi lên xe vào trong Nam tôi khóc như mưa, khóc như ai đó lấy đi thứ đồ
chơi mà tôi quý nhất vậy. Chả ai dỗ nổi, tôi cũng chả rõ vì sao mình lại khóc nữa.
Tôi đứng nhìn cho tới khi chiếc xe đưa ông anh yêu quý đã song hành với tôi cả
một mùa hè đi về nơi nào đó xa tít tắp khuất bóng, chả làm gì được tôi mới bắt
đầu lọc cọc leo lên gác-ba-ga xe đạp để bố tôi đèo về. Nỗi buồn xâm lấn mọi
hành đông của tôi. Tôi nhìn chỗ nào trong nhà tôi cũng thấy nhớ ảnh, nhớ tới mức
chả muốn ăn cơm khiến bố tôi nổi cạu mấy phen định tạt tai tôi nhưng may mà mẹ
tôi ngăn lại. Các bác các cô tới chơi thấy tôi như thế cũng thương nên an ủi đủ
kiểu, nịnh tôi rồi còn mua cho tôi những thứ mà ngày thường chả bao giờ tôi dám
nghĩ tới như kẹo mút hình lưỡi dao có chiếc còi thổi te te ở đầu, oản giấy màu
chỉ xuất hiện trên bàn thờ ngày mùng 1 hay 15 hàng tháng hay thậm chí còn có cả
một cái chong chóng quay tay kiểu chong chóng trên đầu Doremon, thứ đồ chơi là
niềm ao ước của mọi đứa trẻ thời bấy giờ
nữa… Mãi tới 1 tuần sau tôi cũng chịu nguôi ngoai và quay lại cuộc sống
bình thường. Cuộc chia ly đầu đời tắm ướt
tuổi thơ tôi ấy tôi vẫn nhớ, thi thoảng gọi điện với ông anh giờ lớn tướng
sắp lấy vợ rồi kể lại vẫn còn thấy buồn cười. Nhưng đó lại là một kỷ niệm đẹp
khiến anh em chúng tôi gắn kết nhau hơn, gần gũi nhau hơn, và yêu thương nhau
hơn. Chính cái nỗi buồn thoảng qua của đứa
trẻ trong tôi ngày ấy lại vô tình reo vào tâm hồn tôi những xúc cảm mới trong
cuộc sống muôn màu, những cảm xúc của tình anh em, tình cảm gia đình.
Cuộc
chia ly thứ hai, mà không, sự mất mát to lớn đầu đời của tôi thì đúng hơn, đó
là ngày tôi khóc ngẹn tiếng nấc tạm biệt bà nội tội từ giã cõi trần.
Cuộc
chia li của âm dương cách biệt.
Năm tôi lên hai tuổi mẹ tôi sinh em gái tôi, kể từ
ngày đó tôi ra ngủ với bà và cứ thế hằng đêm được đắm chìm trong những câu chuyện
ngày xửa ngày xưa đầy lôi cuốn. Mẹ là người sinh ra tôi, nhưng bà nới là người
chấp cánh nuôi lớn tâm hồn thơ dại của tôi những ngày tháng xa xưa ấy, hồi bé
tí ti tôi bám lấy bà không dời gót, đi đâu cũng muốn theo, bà làm gì cũng tới
hóng, đó là lý do tuy không phải cháu đích tôn nhưng tôi vẫn được bà gọi là cục
vàng, chính điều đó làm tôi tự hào ra mặt với mấy ông anh họ của mình. Thế
nhưng, bà lại chính là người duy nhất tôi cảm thấy mình có lỗi nhất. Những năm
tháng cuối đời bà bị liệt nửa người do bị tai biến, nửa phía dưới hầu như không
cử động được nên chỉ nằm một chỗ. Người nhà quê, cũng chả biết gì về bệnh ấy,
sau ngày bác cả tôi mất chỉ thấy thi thoảng bà bảo tê chân tưởng là bệnh người
già nên cũng chỉ mua thuốc uống sơ sơ, đến lúc bệnh nặng bà nằm hẳn, các bác,
các cô và bố mẹ tôi không có tiền chạy chữa, cũng chả biết chạy chữa như thế
nào, chỉ biết thay phiên nhau chăm sóc bà. Được 2 năm, bà mất. Tôi nhớ đó là
ngày học cuối cùng để chuẩn bị nghỉ tết năm tôi học lớp 10. Bà mất lúc nào tôi
cũng chả biết, chỉ biết khi đạp xe về tới cổng nghe kèm trống, thấy đông người,
mắt tôi đã nhòe đi như một phản xạ. Tôi cũng chẳng biết tại sao lúc đó tôi thế
nữa, tôi sợ phải đối diện với cái điều đau buồn đó. Quẳng xe lên trên nhà hàng
xóm tôi không chạy vội mà cứ lững thững bước chầm chậm về, tôi trách mình sao
bà mất mà không cảm nhận được chút gì, người ta bảo nếu bạn yêu thương ai đó thực
sự thì khi người đó sảy ra chuyện gì bạn cũng có thể cảm nhận được nó, sao tôi
lại không, hay là tôi chưa đủ yêu thương bà, thế rồi mắt tôi lại càng nhòe đi
trong cái ngày cuối năm trời nhá nhem tối ấy. Khi ngồi trước bà tôi chẳng biết
làm gì chỉ khóc, khóc to hơn bị bố đánh, to hơn uất ức khi bị thằng bạn đấm vào
đầu mà không làm gì được, to hơn cả cái ngày thằng anh tôi lên xe theo bố ảnh
vào Nam nữa, bởi tôi biết tôi đã mất bà mãi mãi. Ngày đưa bà ra đồng, tôi dặn
mình không được khóc, như thế bà sẽ vui hơn, ra đi nhẹ nhàng hơn. Nhưng rồi khi
thấy người ta dần dần hạ quan tài bà tôi xuống và phủ đất lên tôi quỳ gụp xuống
đất mà nấc, cái nấc nghẹn ngào đầu tiên của sinh li tử biệt, nấc trong vô vọng
vì biết kể từ giờ phút này bà sẽ đi xa lắm, xa hơn cả cái mảnh đất miền Nam nào
đó kia, mang theo cả tuổi thơ của tôi với những câu chuyện xửa xưa thuở năm mười.
Thấm thoát đã 7, 8 năm, thằng cháu thơ dại đã lớn như cây chuối hột trên bãi chợ,
tôi thì tôi tin ở một nơi nào đó bà vẫn luôn dõi theo tôi, như ngày bé cục vàng
của bà bám gót không dời bà vậy. Thi thoảng bà vẫn về trong giấc mơ, nhẹ nhàng
và gần gũi như những ngày tôi vẫn còn được dội nước cho bà ngồi gội đầu nơi bờ
giếng. Có những lúc trong mơ tôi ôm trầm lấy bà mà nấc lên xin lỗi, tôi áy náy
và ân hận vì đã không yêu thương bà nhiều hơn để rồi những lúc chạnh lòng nghĩ
về cái góc bàn thờ nhỏ nơi có tấm di ảnh
và khơi đừng trầu của bà tôi lại cảm thấy xót xa và hối tiếc.
Đây là câu chuyện về những
tình cảm trong sáng đầu đời của tôi, một câu chuyện không buồn, không vui chỉ
nhẹ nhàng như một áng mây bồng bềnh mùa hạ, đến và đi trong phút chốc nhưng đọng
lại cho trái tim tôi cho tới tận bây giờ một cảm xúc trọn vẹn hơn cả. Tôi là dân khối A, không được là dân khối A xịn
nhưng 3 năm cấp 3 tôi chỉ học khối A với
nguyện vọng đậu đại học theo lời khuyên của bố mẹ “đỡ khổ đi con ạ”. Nhưng khối
A tôi trượt và rồi may mắn nhờ chút năng khiếu tôi đậu được vào một trường tư bằng
khối C với sô điểm so sánh với bạn bè trong trường là không tệ. Hẳn đó là cái
duyên, nếu không cũng là cái gì đó của bàn tay số phận bởi lẽ ở chính tại ngôi trường này tôi đã bắt gặp
tình yêu đầu đời của mình. Đó là một ngày giữa thu đầy gió tôi còn nhớ như in
cô ấy mặc một chiếc quần jean với một chiếc áo cộc tay màu trắng có in hình một
chú khỉ tinh nghịch ngay trướng ngực, vai khoác balo con cóc còn dưới chân là một
đôi giày vải đế bệt. Hình như cô ấy đang đợi bạn, chốc chốc lại thấy vén những
sợi tóc bị gió thổi lòa xòa che mất đôi mắt trong veo như hai hồ nước mùa thu để
ngóng nhìn về phía xa xa và tôi như chết lặng trước cái dáng vẻ nhỏ nhắn cùng
gương mặt như thiên thần của cô ấy. Nghĩ lại vẫn thấy buồn cười, tôi một thằng
suốt những năm học Trung Học ghét lũ con gái như đĩa thấy vôi vì mấy thứ chuyện
nhảm nhí và thói lề mề, rắc rối thế mà ngay lập tức lại chết tức tưởi trước một
cô gái thậm chí chả biết tên tuổi hay quê quán ở đâu. Ớ thế mà cái hôm đi nhận
lớp lại thấy cô ấy ngồi ngay lớp bên cạnh (trường tôi đợt ấy phân 7 lớp cùng
khoa du lịch, tôi học lớp 1, cô ấy học lớp 4) và còn may mắn hơn khi biết rằng
lớp tôi và lớp cô ấy đều được xếp học chung vào cùng buổi sáng. Tự dưng tôi
nghĩ thầm “Bỏ mẹ, hẳn đây là ý trời” thế là từ ngày đó tôi để ý tới cô nàng nhiều
hơn. Khổ một nỗi, tôi vốn rất thoải mái với bọn khác giới trong vai trò là bạn
bè nhưng đụng vào tình cảm thì ngược lại, nói ngắn gọn ra tôi là thằng nhát
gái. Tôi chỉ biết ngồi trong lớp nhìn lén và…nhìn lén chứ cũng chẳng biết làm
gì hết. Cũng có cơ hội để nói chuyện với nàng nhưng đứng trước tình yêu lớn nhất
của tôi vào lúc đó miệng tôi lại như bị thằng nào đổ 502 vào vậy, cứng đơ và
dính đét vào nhau. Cứ thế tới tận hết năm nhất thì phải, tôi cũng dám thổ lộ,
nhưng đó là một đêm liên hoan cuối năm có 1, 2 chén rượu và không làm chủ được
hành động của mình. Và rồi sáng mai ngủ dậy tôi thấy cô ấy nhắn xin lỗi, cảm ơn
tình cảm của tôi nhưng cô ấy đã có người thương rồi và anh ta cũng là tình đầu
với cô ấy thì phải đại loại thế. Ôi,cái trái tim tội nghiệp, bé dại của tôi
ngày ấy bạn biết không nó đã rỉ “máu”, tôi văn vẻ tý thôi chứ thực ra tôi chỉ sợ cô ấy
cười mình, tôi thấy mình là kẻ thất bại, tôi thấy mình thật là chán ngắt bla bla…
Tôi khóc, thực ra là hai ba giọt gì đó nhưng nó vẫn được tính là khóc, đó là lần
đầu tiên trong đời tôi rơi nước mắt vì một người khác giới không phải là bà hay
mẹ mình. À cả buồn nữa, phải mất xem nào…3 hay 4 hôm gì đó tôi mới thấy đỡ đỡ
sau những đêm nằm nói chuyện với chính mình. Tôi chấp nhận từ bỏ, không phải hết
thích cô bạn xinh xắn kia rồi mà vì tôi nghĩ đơn giản không nên là kẻ đi phá hoại
hạnh phúc của người khác, như thế sẽ không hay, với nữa chắc gì mình đã phá được
vì mình chỉ là thằng nhà quê tỉnh lẻ ra Hà Nội học nhà thì nghèo rớt còn cô ấy
nhìn vào đã biết là một tiểu thư con nhà có điều kiện… (Hồi đó đang còn suy
nghĩ tiêu cực :))))
Thế rồi mọi thứ vẫn trôi qua, sớm ngủ dậy
tôi vẫn thấy bả chủ nhà sang đòi tiền trọ, mấy thằng bạn phòng bên cạnh vẫn
chơi game hò hét inh ỏi và cái bụng thì vẫn sôi ùng ục vì đói. Tôi mới nhận ra
một điều là niềm vui, nỗi buồn, đau khổ hay hạnh phúc tất cả chỉ khởi nguồn từ
suy nghĩ của con người, đôi khi từ bỏ không phải là sự thất bại mà chỉ là sự chấp
nhận như một quy luật đơn thuần, và tôi cảm thấy may mắn vì đã biết từ bỏ đúng
lúc. Bới lẽ cho tới hiện tại này đây tôi vẫn luôn cảm thấy cuộc sống của tôi
càng ngày càng thú vị và tôi càng ngày càng khao khát sống, càng khao khát yêu
thương. Có thể sẽ chẳng có một cô bé Hải Phòng nào thứ hai như cô bạn xinh xắn ấy
trên cõi đời này để tôi được nhìn lén nữa nhưng con người vẫn có quyền yêu
thương và nhận lại yêu thương từ người khác, vì thế buồn đau khổ ải cũng chỉ là
một trạng thái nhất thời, chúng ta còn cả cuộc đời, đó mới là cái xa xôi đáng
nghĩ tới. Bây giờ thì nàng ấy đã có một cô con gái vô cùng xinh xắn và đáng yêu
rồi, tôi không rõ anh chồng có phải là mối tình đầu hồi cô ấy nói cho tôi hay
không nhưng tôi vẫn vui mừng cho hạnh phúc của họ.
Tôi còn kha khá những
cuộc chia li khác nhưng sẽ là quá dài để các bạn có thể đủ kiên nhận đọc hết
nên tôi xin tạm dừng ở những cuộc chia li chính đánh dấu mốc trong cuộc đời của
tôi như thế này thôi. Bạn biết đấy chia ly thường gắn liền với nỗi buồn, niềm
tiếc thương thậm chí cả nước mắt nữa nhưng theo một chiều hướng nào đó chia li
lại là một chất dung môi để con người biết chân trọng cuộc sống hơn, biết sống
yêu thương hơn và thật lòng với những người xung quanh mình hơn. Bạn, tôi và cả
triệu triệu người ngoài kia nữa nếu biết quý trọng những khoảnh khắc sống với
những người mình yêu thương thì dù cuộc chia li đó là do khoảng cách, do chấp
nhận sự thật buồn hay thậm chí là do âm dương cách trở thì trong tim bạn họ vẫn
ở bên cạnh. Với tình người không có khoảng cách, vì đó là lúc con người ta sống
“người” nhất với nhau.
No comments:
Post a Comment