Labels: ,

Ông ngoại

Ông nội tôi mất từ ngày tôi mới bằng quả ổi non trong bụng mẹ nên khi sinh ra tôi chẳng có chút kỷ niệm nào về nội cả, đó là lý do trong ký ức tuổi thơ tôi lúc nào tôi cũng đinh ninh ông ngoại là người ông duy nhất của mình, chính điều đó làm tôi thấy mình khác biệt so với những thằng khác, tôi chỉ có mỗi một ông. Và với tôi lúc đó, một ông cũng là đủ.



Năm nay ông tôi 91 tuổi, đó là theo đúng giấy tờ nhà nước, còn thực tế ông bao nhiêu tuổi thi đến cả ông cũng chả nhớ nữa. Ấy nhưng mà về cái làng Thanh Xá nhà tôi, Chỉ cần hỏi ông Giáo Viễn thì hầu như ai ai cũng biết. Chẳng phải ông tôi trước làm thầy, làm đồ gì mà đơn giản bởi bác cả tôi tên là Giáo và quê tôi thì thường có cái lệ lấy tên con cả để gọi cho mình. Đang nói dở vì sao ông tôi "nổi tiếng" như thế. Ông tôi kể lại rằng, ngày trước ông cụ bà cụ ngoại nhà tôi sinh ông ngoại tôi ra vốn cũng là nhà có chút của, thế nên ngay từ dạo đầu còn để ba chỏm ông tôi đã được đi cho đi học cái chữ Nôm, chữ Nho của các thầy đồ trong làng. Dạo ý, không phải ai cũng được học, nhưng ông tôi may mắn được hai cụ tôi thuê hẳn thầy về dạy tư tại nhà. Nhưng vốn nghịch ngợm chả chịu học nên ông bà cụ thấy thế bèn bàn với gia đình cụ Thành làng trong để hai ông học cùng cho có bầu, có bạn. Thế rồi có bạn vui vẻ ông tôi cũng học ra ngô ra khoai, ông học được hết 2 cuốn tự (ngày xưa có cả thảy 4 cuốn ông tôi mới học hết 2) thì có cái chữ quốc ngữ ra đời, chữ nho, chữ nôm thất sủng, chả còn ông Nghè, ông Cống nữa nên ông chuyển sang học cái chữ "của Tây" như ông gọi. Có cái con chữ ông đọc hết những gì ông bắt được trong tay, đó là lý do mà đến hiện nay dù chân ông chẳng còn linh hoạt nữa nhưng mắt vẫn không dời tờ báo hoặc cuốn sách, thậm chí tôi hỏi ông tích gì, truyện gì, triều đại nào ông cũng có thể kể cho chúng tôi nghe vanh vách một lèo như nghe người kể chuyện trên đài vào mỗi tối vậy.



Hết giặc Pháp rồi giặc Mỹ sang, khi có sức có vóc ông tôi xung phong đi chiến trường. Ngày còn bé tôi lấy làm tự hào thay ông mỗi lần ra nhà ông ngắm nghía tấm huân trương hình ông sao được đặt trong khung gỗ với một tấm bằng khen ghi dòng chữ "huân chương kháng chiến hạng 3" mà nhà nước trao tặng, chẳng biết đó là cái gì nhưng thấy ông treo lên tại một nơi trang hoàng nhất nhà tôi nghĩ đó hẳn phải là thứ quý giá nhất mà ông có.
Sau khi đất nước giải phóng ông được điều về làng làm thuế má. Dạo bà ngoại tôi còn sống bà tôi kể lại rằng cái thời cải cách ruộng đất theo nghị định của nhà nước ông đi thu của cải các nhà địa chủ trong làng, vàng bạc, của cải mang về đổ một gian nhà sáng tới chói cả mắt, nhưng ông nhất quyết không đụng vào một khắc, ông nói đó là của nhà nước, ông không muốn mang tiếng tham, tiếng xấu, ông sợ có lỗi với Đảng, với nhà nước nên ông chỉ khóa cứng cửa lại rồi bắc chõng nằm canh chờ bên trên về thụ lý.
Ông tôi lấy bà tôi năm 21 tuổi, ông nói, dạo ý con trai muốn cưới vợ phải có tiền, con gái nhà ai bình thường thì vài chục đến một trăm quan, còn cô nào xinh xắn mà giỏi giang thì tiền thách cưới phải tới mấy trăm quan. Ông kể thêm, bà ngoại cũng thuộc người có chút nhan sắc, tuy không được ăn học nhưng da trắng và biết làm lụng thế nên ông xin ông cụ bà cụ sang nhà hỏi bà về làm vợ cho ông, ông bảo phải dành 200 quan mới hỏi được bà về cho ông đấy (200 quan tương đương với 200 đồng tiền lẻ bây giờ). Mà cái chuyện của ông bà cũng thú vị, ông kể rằng, người xưa có biết yêu đương là chi mô, gặp một hai lần, thấy thích hỏi nhau về sống với nhau rồi tình cảm khăng khít nó tự thành tình yêu, thế nên mỗi độ ông nghe thấy chuyện con cái nhà ai, ở trong làng vợ chồng lục đục bỏ nhau là ông lại lắc đầu tặc lưỡi.
Ông bà tôi sinh được 9 người con, mẹ tôi là con thứ 7 trong nhà. Ngày còn bé nhà tôi không có vườn nên tôi khoái ra ông, tất nhiên, cái vườn be bé sau nhà ông với tôi ngày ấy là cả một thiên đường nơi quy tụ đủ loại hoa quả thần thánh ấy là chưa kể đám bọ xít dùng làm xe, lũ chim non hay cả những trò nghịch dại của anh em nhà tôi trong những trưa hè trốn ngủ lên vườn nằm quậy cũng biến cái tuổi thơ trong tôi lúc nào cũng rực rỡ sắc màu. Nhưng mà cái anh em tôi thích nhất là ông bà lúc nào cũng chiều cháu, cái gì cũng để dành, cái gì cũng cho, chẳng cấm đoán gì cả, khác hẳn bố mẹ tôi đụng tý là đòi quất, đụng tý là bắt nằm xuống. Kể từ ngày ông về hưu ông chỉ ở nhà với bà, bà tôi mắt kém, tai không tốt, tính thì lúc nhớ lúc quên nên ông cũng cứ dành làm hết. Về nhà buồn, ông lên vườn chặt tre xuống đan rổ, đan xảo, đưa bà mang ra chợ bán, ông trồng thêm chuối và các loại cây ăn quả khác ở cái vườn dưới, ông chăm non, phát bụi cho cái vườn trên... Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua như thế cho tới ngày con cháu trưởng thành hết... Con cái có gia đình riêng, các cháu lớn lên bắt đầu đi học, đo làm xa nhà cả, cái căn nhà ôm ký ức tuổi thơ ngọt như viên kẹo của tôi chỉ còn bóng một ông cụ và một bà cụ thi thoảng đi lại rồi nói chuyện nhè nhẹ với nhau. Mỗi độ tôi về là tôi lại ra chơi, lần nào cũng thế ông vui lắm, ông bỏ tờ báo xuống ngồi thẳng dậy nói chuyện với tôi như lâu lắm nhà mới có thêm người vậy. Hai năm nay ông bị bênh về khớp, đầu gối khó cử động, lại thêm một lần bị ngã dạn xương mông nữa khiến ông giờ muốn đi đâu là phải có cái ghế chống mới đi được. Bà tôi thì tính lẫn hẳn, trong tiền thức vẫn cứ nghĩ như mình đang ở đâu đó trong cái thời bao cấp, suốt ngày lên vườn nhặt nhạnh từng quả bưởi rụng, thị rụng mang xuống chợ bán, chẳng ai mua lại lẽo đẽo mang về, kệ ông hay các bác nói cũng cứ ậm ừ, chả biết có nghe được hay không nhưng mai lại thấy lên vườn nhặt quả tiếp. Cũng bởi vì thế mà cái ngày bà tôi bị ngã trên vườn tôi thấy bà nằm luôn chả chịu dậy nữa, đợt về ra thăm bà nói "có cái con ma nó xô bà mày ạ!" ông tôi ở giường bên vừa cười vừa nói "bà mày nói lung tung, ma đâu mà ma, bà tự ngã thì có". Thế rồi được vài tháng thì bà yếu dần. Năm nay các bác tôi tính tổ chức lễ mừng thọ cho bà tròn 90 vào mùng 2 Tết, nhưng bà chẳng trụ được, 5h sáng hôm 28, mẹ gọi tôi dậy "dậy đi Cường, dậy vào thăm bà, bà yếu lắm rồi" lúc tôi vào thì chả kịp nữa. Hôm ý là lần đầu tiên tôi thấy ông khóc, gần hết cuộc đời ông bà luôn bên cạnh nhau thế mà giờ bà bỏ ông đi trước, nước mắt ông chẳng đọng thành giọt mà rớt xuống nữa, nó nhòe đi theo đường từng nếp nhăm mà ướt hết cả khuôn mặt. Giây phút người ta đưa bà ra đồng, ông vin vào thành giường cố gượng dậy nhìn về phía quan tài nơi người vợ của mình đang nằm trong đó rồi khóc hu hu như một đứa trẻ. Tôi bỏ kệ tất cả chạy lại ôm lấy ông rồi cùng khóc. Tôi thương ông rồi ngày tháng sau này thiếu bà nỗi cô đơn và nỗi nhớ liệu có để ông yên. Tôi lo cho ông rằng những ngày tháng lẻ bóng tới khi con cháu lại bay ra với đời hết thì liệu ông có buồn lòng mà suy kiệt để rồi lại theo bà đi về với tổ tông nữa.




Hôm trước khi ra Hà Nội tôi tới thăm ông, Lúc tôi vào thấy ông đang nằm đọc sách, ngó qua mới biết đó là một cuốn kinh cầu an của nhà chùa, bác tôi kê giường cho ông nằm ngay trước bàn thờ bà và kể từ ngày bà ra đồng ông đều đọc cuốn kinh ấy mong cho bà sớm siêu thoát. Tôi ngồi nói chuyện với ông mãi, chuyện về hồi nhỏ của mấy đứa cháu, chuyện về cái khu vườn giờ cũng như tuổi của ông rậm rạp và già cỗi um tùm chả ai phát, chuyện về bà, về món cá kho mặn chát của bà rồi nhiều chuyện khác... tôi nấn ná chẳng muốn về vì tôi biết, tôi về xong lại chỉ mỗi mình ông ngồi khóc trước di ảnh của bà. Ông nói ông nhớ bà lắm... Tôi cũng thế, tôi nhớ bà và tôi thương ông hơn, bởi vì thế nên kể từ lúc chào ông để ra về tôi tự hứa với mình, chỉ cần có dịp nghỉ là tôi sẽ chọn về quê thay vì du lịch hay bay đi các phương trời mới như những đứa bạn khác. Vì tôi sợ...chẳng biết...tôi còn được gặp ông bao nhiêu lần nữa...

No comments:

Post a Comment