Ngày đầu lên thăm cậu, nhìn ánh mắt rã rời của cậu bên những
cơn đau quằn quại mà bệnh tât dày vò, tôi đã biết cậu từ bỏ…nhưng tôi vẫn không
ngờ cậu đi nhanh vậy…nhanh như cơn mưa cuối hạ bên thềm cửa, trút hết đau
thương và oán hờn cả một đời rồi bỏ mùa mà đi, chẳng biết có còn điều gì day dứt
hay không mà chỉ nghe những tiếng sụt sùi và hoài niệm vấn vương trong lòng những
người thân còn lại trên dương thế…
Cậu là con út, người con thứ 9 của ông bà ngoại tôi nên ông
tôi đặt luôn cho cái tên là Chín. Tôi chẳng có nhiều ký ức về cậu bởi lẽ cậu là
người ít nói và việc thể hiện tình cảm thì lại càng không. Nhưng kể từ khi cậu
đi hình ảnh về góc quán nho nhỏ nơi bầy ngổn ngang mấy thứ đồ điện lặt vặt với
dáng ngồi cặm cụi của cậu bên chiếc đồng hồ điện và đám mạch điện tử luôn hiện
đi hiện lại trong tâm trí của tôi. Chắc hẳn đó là những gì ấn tượng nhất mà đầu
óc tôi còn kịp ghi lại trong quãng ngày ngắn ngủi cậu sống trên trần thế này,
và với tôi đó quả thực là những ký ức đáng để tôi cần mang ra phơi màu mà trân
trọng…
Cái góc quán của cậu nằm ngay dưới cổng trường cấp một của
chúng tôi, bởi thế nên mỗi khi có dịp là tôi lại thường tót xuống đó ngồi thu
lu một chỗ mân mê mấy sợi đồng được vo cục lại trong tay và chăm chú nhìn cậu mày
mò bên đám đồ bị hỏng. Vì dạo ý còn nhỏ nên tôi không nhớ rõ lắm, nhưng hình
như cái nghề sửa chữa điện tử này cậu học được từ hồi đi bộ đội thì phải.Hồi
đó, đồ điện tử là những thứ xa xỉ ở quê tôi, nhà nào có điều kiện thì mới có
cái tivi màu hay cái đài catxet mà nghe nhạc, nên góc quán của cậu quả thực là
một thiên đường với thằng nhóc học tiểu học như tôi. Tôi còn nhớ trong cái đống
suy nghĩ ngây ngô của một thằng nhóc như tôi dạo ý thì nghề của cậu như “rồng
thần” hồi sinh cho đám máy móc bệnh tật (dảo tôi nghiện 7 viên ngọc rồng he).
Này nhé, cái ti vi cháy màn đen ngòm chỉ nghe mấy tiếng rèo rèo phát ra từ bên
trong qua tay cậu tôi lại bật kênh tanh tách và xem nét tưng như chưa từng có
gì xảy ra cả, cái đài cát xét bố tôi vác từ trên bác cả về vốn chỉ để nghe
radio mang ra cậu lại chạy được cả băng hát ầm ầm trên nóc tủ thóc, rồi đám quạt
điện, cái máy bơm…mọi thứ tôi tưởng đã chết qua tay cậu tôi như được phù phép đều
sống lại. Điều đó càng làm tôi thấy tự hào hơn vì có người cậu làm cái nghề chẳng
phải ai trong làng cũng làm được như thế.
Cậu tôi lấy vợ muộn. Các mẹ các dì mai mối ngược xuôi, khích
lệ động viên mãi chả được, duyên số thế nào cậu chạy sang xã bên dắt mợ về ra mắt
trong sự ngỡ ngàng và hân hoan của cả nhà. Tôi nhớ năm đó cậu 34 còn mợ cũng đến
30.
Cưới vợ xong cậu xin ông bà ở riêng, chuyển xuống thuê miếng
đất nho nhỏ dưới đường dựng làm quán, cậu vẫn sửa chữa điện còn mợ thì có nghề
may. Ngày thằng lớn ra đời, cậu vui mừng khôn xiết, nhưng rồi trách nhiệm của người
đàn ông khiến cậu đành phải xa vợ xa con mà theo người ta vào Nam làm ăn kiếm vốn.
Đi cả mấy năm trời thì thoảng về thăm nhà được đôi dịp, cứ thế mợ ở nhà nuôi
con, cậu thì dành dụm gửi về, thương con thương cái cả hai cùng cố gắng. Cho tới
khi thằng út sinh ra thì cậu quyết định về hẳn. Có chút vốn liếng hai vợ chồng
mua miếng đất gần chợ, dựng nhà rồi quây quần hạnh phúc. Tưởng ngày tháng cứ thế
trôi qua êm đềm cho đến ngày cậu phát hiện bệnh. Cậu đã chẳng nhanh như vậy nếu
bác sĩ chuẩn đoán đúng, năm ngoái sau khi xét nghiệm và cho rằng cậu chỉ bị u
lành người ta thực hiện phẫu thuật vét hết đám u ở cổ cho cậu, nhưng chỉ được một
thời gian khối u bị đụng dao kéo lại quay lại và trầm trọng hơn trước, xét nghiệm
lại thì mới hay cậu bị ung thư yết hầu và tình trạng đã khá nguy kịch… Chẳng ai
dám cho cậu hay bệnh tình, nhưng sức khỏe của mình thế nào cậu biết, thương vợ
thương con, cậu suy sụp hẳn, nếu chẳng phải vì chiều ý vợ cậu chẳng bao giờ muốn
nằm ở viện, mỗi lần ra cả ngót chục triệu, sức khỏe thì càng ngày càng tệ, những
cơn đau thì càng ngày càng dài bởi vì thế cậu chỉ một mực đòi về… Dạo ấy cứ mỗi
khi tan làm là tôi lại ghé lên, thấy cậu nằm cắn răng chịu đau, người thì còn
nhũn da bọc xương mà ứa cả nước mắt, chẳng biết an ủi thế nào, cũng chẳng biết
phải hỏi han ra làm sao chỉ ngồi bên cạnh nhìn cậu… Rồi được 3 đợt truyền như vậy
cậu đi…
Ngày cậu mất tôi vội vàng bắt chuyến xe về quê, cả quảng đường
150 cây số mắt tôi cứ nhòe đi như một phản xạ… Về tới nhà vào bên giường cậu nằm,
tôi thấy mọi người đã ở bên cậu cả, các dì, các mẹ, mợ và cả 2 thằng em tuổi vừa
nhi đồng nữa. Ông anh bảo tôi lật khăn che lên mà nhìn mặt cậu lần cuối, lúc đấy
người tôi như hóa đá, chỉ biết vịn vào thành giường mà khóc. Rồi anh cũng biết,
đưa tay vén tấm vải mỏng che mặt cậu để tôi nhìn, nước mắt tôi ứ đầy cả hai mắt
khi nhìn thấy người đàn ông tôi gọi bằng cậu nằm đó, cứng ngắc, gương mặt trắng
bệch, mắt nhắm nghiền, thần chết đã mang cậu đi rồi nhưng gương mặt vẫn vương lại
vẻ đau đớn của bệnh tật in hằn trên từng nét. Mợ ngất lên ngất xuống, thấy tôi
về ôm chầm lấy mà khóc nấc “cậu mất rồi cháu ơi, cậu mất rồi…” những câu ấy như
khứa vào gan ruột tôi. Xót cậu một phần, nhìn mợ, nhìn em tôi lại thương gấp vạn…
ngày tháng sau rồi chẳng biết sẽ ra sao khi không có chồng, có cha bên cạnh…
Trước khi mất cậu nói với bác tôi xin được hỏa táng và mang về chôn trên mảnh
vườn sau nhà ông bà ngoài, bởi đó là đất ông đất cha nơi cậu sinh ra và lớn lên
nên cậu muốn được nằm ngủ tại đó. Bác kể trước giờ lâm trung bác hỏi cậu xem có
gì muốn dặn vợ con điều gì không thì cậu nói mợ là người hiểu cậu nhất rồi nên
cậu chẳng cần nói mợ cũng có thể hiểu những gì trong lòng cậu, còn hai thằng nhỏ…
cậu chỉ dừng lại đó và nhìn về phía chúng chẳng nói thành lời… Cậu thương những
ngày tháng tuổi thơ không cha sắp tới của chúng, cậu lo khi cậu đi ai sẽ thay cậu dạy dỗ, chăm
sóc, bảo ban chúng thành người, cậu lo gánh nặng cậu để lại rồi mẹ con chúng
làm sao mà gánh vác… thế rồi cậu ứa nước mắt… Cậu mất trong đau đớn, mợ nói
chưa bao giờ mợ thấy cậu đau như vậy, những lần trước dù đau tới mức nào cậu
cũng cắn răng chịu vì sợ mợ phiền lòng nhưng lần này cậu đau như hóa điên, chẳng
thể kìm nén được, điều đó khiến mỗi khi mợ nhắc cho ai đó nước mắt mợ chẳng thể
nào kìm được…
Trong đám tang của cậu tôi người ta tới rất đông, vì tình
làng nghĩa xóm và vì thương cho kiếp người bạc phếch của cậu tôi nên ai cũng
ghé… Giờ đưa cậu tôi đi, nhìn cảnh hai thằng nhỏ nước mắt giàn giụa lên thắp
hương vái cha chẳng ai có thể kìm được nước mắt… Những đứa trẻ đến giấc ngủ cũng
chưa tròn đã phải gánh chịu nỗi đau này, có thể chúng chưa nhận thức được sự mất
mát lớn lao chúng vừa phải gánh nhưng rồi ngày tháng dần trôi lỗ hổng tâm hồn từ
khi còn thơ dại này sẽ lớn dần lên và một ngày nào đó chiếm trọn trái tim chúng…hẳn
điều đó khiến người ta thương thay cho chúng… Nước mắt cũng vì thế mà xót xa
tuôn… Nhưng với tôi người đáng thương nhất chính là mợ… những ngày cậu nằm
trong viện tôi biết được tình yêu của mợ dành cho cậu lớn như thế nào, mất ăn mất
ngủ, chăm bẵm từng li từng tý một, mợ cố gắng gượng từng ngày một để không gục
bởi mợ biết mợ mà gục thì cậu cũng từ bỏ, mỗi độ cậu đòi về mợ chỉ khóc thế là
cậu lại thôi…nhưng rồi khi cậu mất, nhìn cảnh mợ ôm con khóc tôi lại tái cả
lòng… thương cho phận đàn bà một mình ở tuổi 40 tiếp tục nuôi nấng 2 con thơ mà
không có chồng bên cạnh, rồi những ngày tháng cô đơn sắp tới liệu mợ có kiên cường
mà vượt qua… liệu những khi nhớ cậu nhìn lên bàn thờ nơi di ảnh của chồng bên
bát hương nghi ngút khói mợ có yếu lòng mà buông xuôi…
Nhưng rồi người mất cũng đã mất, kẻ sống thì vẫn phải tiếp tục
sống, dù có tiếc thương như thế nào đi nữa…Bởi đó là quy luật… Sống trong đau đớn
với bệnh tật dày vò hàng ngày cậu đi như vậy có lẽ lại là một sự giải thoát, giải
thoát cho cậu…và giải thoát cho cả mợ nữa… Tôi chẳng thể biết về tương lai sẽ
mang lại những gì cho con người chúng ta nhưng tôi tin tưởng vào nó, bởi vì thế
mà tuy có lo lắng nhưng tôi vẫn tin vào một tương lai tốt đẹp cho em tôi và mợ
tôi… Phận làm con làm cháu chẳng thể làm gì hơn vào lúc này nhưng từ ngày nhìn
thấy ánh mắt cậu trên Bạch Mai, tôi luôn tự nhủ bản thân phải có trách nhiệm gì
đó với đám nhỏ của cậu… Tôi chả biết tôi có thể làm được gì, nhưng ít ra tôi có
thể nuôi dưỡng tâm hồn chúng, như đám đồ điện lặt vặt và dáng ngồi cần cù của cậu
trong một góc tuổi thơ tôi vậy. Dù có thế nào đi chăng nữa thì tôi vẫn muốn
chúng sẽ có một tuổi thơ đẹp…còn tương lai thì chắc chắn tốt đẹp rồi…tôi tin là
bố chúng phù hộ cho chúng về những điều như thế…
No comments:
Post a Comment