Đời người và những chuyến tàu ly biệt

Ai rồi cũng phải kinh qua cái khoảnh khắc ấy một lần trong đời, sớm hay muộn, chóng vánh hay bịn rịn mãi không muốn rời xa nhưng rồi cái thời khắc ấy nó cũng sẽ tới và đưa một ai đó đang gần gũi thân quen với bạn tới một nơi xa tít tắp…

Tuổi của ta là tuổi của trái tim

Người ta nói rằng với phụ nữ, chỉ nên nhớ ngày sinh nhật và hãy quên đi năm sinh của họ. Nhưng tôi nhận ra điều đó không chỉ đúng với phụ nữ.

Này, em có cô đơn không?

Những người hiểu rõ nỗi cô đơn phải chăng là những người ở trong nó? Những người luôn nói về nỗi cô đơn liệu có phải là những kẻ cô đơn thực sự?

Tháng 7 dài như một giấc chiêm bao

Chẳng rõ hạ đã nói lời từ biệt hay chưa nữa nhưng tháng 7 đến gõ nhẹ bên hiên nhà những hạt rơi lách tách, tắm dịu cả cái ngột ngạt của Hà Thành sau chuỗi ngày như thiêu như rụi...

Bà ngoại tôi

Từ ngày bà mất, chẳng biết có phải hợp vía bà như mẹ tôi nói hay không mà tôi vẫn gặp bà xuốt trong những giấc mơ của mình. Nó đều đặn tới mức có những lúc len lỏi trong giấc ngủ, tôi cứ ngỡ...

Căn gác nhỏ tầng 20


Căn gác nhỏ tầng 20...
Khung của sổ chắn tấm rèm nhung màu gio cũ
Hoa quỳnh nhà ai hé nụ
Hương phảng phất theo gió dài

Căn gác nhỏ tầng 20...
Cô gái nhỏ ngóng mắt nhìn Hà Nội đắm mình trong đèn khuya vàng vọt quá
Mùa đông lạnh giá
Hay tình người lạnh chặn hơi ấm thoi thóp phía trái lồng ngực xinh

Căn gác nhỏ tầng 20...
Trải tấm mền cô đơn chả bao giờ đủ ấm lòng thiếu nữ
Người ta vẫn thường nói giá như một lần được thử
Thì quá khứ chẳng nhàn nhạt mùi khói mắt xè cay

Căn gác nhỏ tầng 20...
Chiếc radio ngân điệu nhạc buồn tê tái
Ngẫm chẳng còn mấy nữa đâu cũng sẽ qua thời con gái
Vậy cớ sao cứ mãi bải hoải, đợi chờ

Có những thứ chẳng đủ dài cho một câu nói nói dại khờ
Có những thứ lại chả ngắn như nhịp nhạc đều đều vờn đong đưa trên căn gác cũ
Cũng chả biết bao giờ là đủ

Chả biết bao giờ...chả biết bao giờ đâu...

0 comments

Anh chạy dọc tháng 8 để tìm em



Anh chạy dọc tháng 8 để tìm em
Hoa sữa chín nhắc anh về những điều tưởng chừng như đã mất
Nhắc cho anh mùa thu đã đến thật
Thoang thoảng heo may e ấp chảy bên trời

Tháng 8 trôi đi theo những bước rã rời
Xà nỗi nhớ xô bộn bề phơi mình bên song cửa
Khúc hát vu vơ chỉ kịp ngân tròn một nửa 
Chợt lặng im trong xác nắng vỡ mập mờ

Tháng 8 đong đưa hoang hoải những đợi chờ
Ngày héo úa ngủ vùi mình trong tiếng chuông chùa nơi đầu ô cũ kỹ 
Những ưu tư hóa mây trôi về nơi mộng mị
Còn lại cô đơn rong ruổi tận phương nào

Tháng 8 đi chẳng thiết một lời chào
Bỏ hết sau lưng những muộn phiền theo tình đi biệt mất
Chỉ còn lại em với mùa thu là rất thật
Chỉ còn lại em với lại chút mùa thu

Nghe bên đời hoa sữa hát vi vu...

0 comments

Thả nỗi nhớ!!!



Tôi thả nỗi nhớ em vào hơi thở giữa đời
Sóng sánh vị đêm, ánh trăng vàng len mình qua ô cửa nhỏ
Hạ đã tàn đâu sao Thu vội vàng nhăn nhó
Rủ những hàng cây rung lá rụng ven thềm

Tôi thả nổi nhớ em ướt sũng dưới môi mềm
Ngày chật quá, kéo đêm cũng dài như lời thì thầm của lửa
Khẽ gọi em cho trái tim còn trở mình cọ cựa
Giữa gác đêm tàn canh chẳng ru nổi giấc mộng về

Tôi thả nỗi nhớ em giữa thành phố bộn bề
Giờ tan tầm người về tìm bến đỗ
Nắng lang thang ngủ gục đầu trên phố
Bỏ hoàng hôn héo úa vị u sầu

Tôi thả nỗi nhớ em trong tình khúc nhiệm màu
Có tóc em bay giữa chiều Hà Thành lộng gió
Ca khúc tưởng quen bỗng lạc mình đâu đó
Hóa chơi vơi, da diết tới dại lòng

Tôi thả em vào nỗi nhớ lệch dòng
Chiều cứ chông chênh để nỗi buồn ru mình hoài chẳng ngủ
Thiếu bóng em bản tình ca cũng buông mình ủ rũ
Điệp khúc ngân vang sao chẳng lấp trọn căn phòng

Ngày không em sầu úa cả cõi lòng...

0 comments

Cậu tôi…

Ngày đầu lên thăm cậu, nhìn ánh mắt rã rời của cậu bên những cơn đau quằn quại mà bệnh tât dày vò, tôi đã biết cậu từ bỏ…nhưng tôi vẫn không ngờ cậu đi nhanh vậy…nhanh như cơn mưa cuối hạ bên thềm cửa, trút hết đau thương và oán hờn cả một đời rồi bỏ mùa mà đi, chẳng biết có còn điều gì day dứt hay không mà chỉ nghe những tiếng sụt sùi và hoài niệm vấn vương trong lòng những người thân còn lại trên dương thế…
Cậu là con út, người con thứ 9 của ông bà ngoại tôi nên ông tôi đặt luôn cho cái tên là Chín. Tôi chẳng có nhiều ký ức về cậu bởi lẽ cậu là người ít nói và việc thể hiện tình cảm thì lại càng không. Nhưng kể từ khi cậu đi hình ảnh về góc quán nho nhỏ nơi bầy ngổn ngang mấy thứ đồ điện lặt vặt với dáng ngồi cặm cụi của cậu bên chiếc đồng hồ điện và đám mạch điện tử luôn hiện đi hiện lại trong tâm trí của tôi. Chắc hẳn đó là những gì ấn tượng nhất mà đầu óc tôi còn kịp ghi lại trong quãng ngày ngắn ngủi cậu sống trên trần thế này, và với tôi đó quả thực là những ký ức đáng để tôi cần mang ra phơi màu mà trân trọng…



Cái góc quán của cậu nằm ngay dưới cổng trường cấp một của chúng tôi, bởi thế nên mỗi khi có dịp là tôi lại thường tót xuống đó ngồi thu lu một chỗ mân mê mấy sợi đồng được vo cục lại trong tay và chăm chú nhìn cậu mày mò bên đám đồ bị hỏng. Vì dạo ý còn nhỏ nên tôi không nhớ rõ lắm, nhưng hình như cái nghề sửa chữa điện tử này cậu học được từ hồi đi bộ đội thì phải.Hồi đó, đồ điện tử là những thứ xa xỉ ở quê tôi, nhà nào có điều kiện thì mới có cái tivi màu hay cái đài catxet mà nghe nhạc, nên góc quán của cậu quả thực là một thiên đường với thằng nhóc học tiểu học như tôi. Tôi còn nhớ trong cái đống suy nghĩ ngây ngô của một thằng nhóc như tôi dạo ý thì nghề của cậu như “rồng thần” hồi sinh cho đám máy móc bệnh tật (dảo tôi nghiện 7 viên ngọc rồng he). Này nhé, cái ti vi cháy màn đen ngòm chỉ nghe mấy tiếng rèo rèo phát ra từ bên trong qua tay cậu tôi lại bật kênh tanh tách và xem nét tưng như chưa từng có gì xảy ra cả, cái đài cát xét bố tôi vác từ trên bác cả về vốn chỉ để nghe radio mang ra cậu lại chạy được cả băng hát ầm ầm trên nóc tủ thóc, rồi đám quạt điện, cái máy bơm…mọi thứ tôi tưởng đã chết qua tay cậu tôi như được phù phép đều sống lại. Điều đó càng làm tôi thấy tự hào hơn vì có người cậu làm cái nghề chẳng phải ai trong làng cũng làm được như thế.
Cậu tôi lấy vợ muộn. Các mẹ các dì mai mối ngược xuôi, khích lệ động viên mãi chả được, duyên số thế nào cậu chạy sang xã bên dắt mợ về ra mắt trong sự ngỡ ngàng và hân hoan của cả nhà. Tôi nhớ năm đó cậu 34 còn mợ cũng đến 30.
Cưới vợ xong cậu xin ông bà ở riêng, chuyển xuống thuê miếng đất nho nhỏ dưới đường dựng làm quán, cậu vẫn sửa chữa điện còn mợ thì có nghề may. Ngày thằng lớn ra đời, cậu vui mừng khôn xiết, nhưng rồi trách nhiệm của người đàn ông khiến cậu đành phải xa vợ xa con mà theo người ta vào Nam làm ăn kiếm vốn. Đi cả mấy năm trời thì thoảng về thăm nhà được đôi dịp, cứ thế mợ ở nhà nuôi con, cậu thì dành dụm gửi về, thương con thương cái cả hai cùng cố gắng. Cho tới khi thằng út sinh ra thì cậu quyết định về hẳn. Có chút vốn liếng hai vợ chồng mua miếng đất gần chợ, dựng nhà rồi quây quần hạnh phúc. Tưởng ngày tháng cứ thế trôi qua êm đềm cho đến ngày cậu phát hiện bệnh. Cậu đã chẳng nhanh như vậy nếu bác sĩ chuẩn đoán đúng, năm ngoái sau khi xét nghiệm và cho rằng cậu chỉ bị u lành người ta thực hiện phẫu thuật vét hết đám u ở cổ cho cậu, nhưng chỉ được một thời gian khối u bị đụng dao kéo lại quay lại và trầm trọng hơn trước, xét nghiệm lại thì mới hay cậu bị ung thư yết hầu và tình trạng đã khá nguy kịch… Chẳng ai dám cho cậu hay bệnh tình, nhưng sức khỏe của mình thế nào cậu biết, thương vợ thương con, cậu suy sụp hẳn, nếu chẳng phải vì chiều ý vợ cậu chẳng bao giờ muốn nằm ở viện, mỗi lần ra cả ngót chục triệu, sức khỏe thì càng ngày càng tệ, những cơn đau thì càng ngày càng dài bởi vì thế cậu chỉ một mực đòi về… Dạo ấy cứ mỗi khi tan làm là tôi lại ghé lên, thấy cậu nằm cắn răng chịu đau, người thì còn nhũn da bọc xương mà ứa cả nước mắt, chẳng biết an ủi thế nào, cũng chẳng biết phải hỏi han ra làm sao chỉ ngồi bên cạnh nhìn cậu… Rồi được 3 đợt truyền như vậy cậu đi…
Ngày cậu mất tôi vội vàng bắt chuyến xe về quê, cả quảng đường 150 cây số mắt tôi cứ nhòe đi như một phản xạ… Về tới nhà vào bên giường cậu nằm, tôi thấy mọi người đã ở bên cậu cả, các dì, các mẹ, mợ và cả 2 thằng em tuổi vừa nhi đồng nữa. Ông anh bảo tôi lật khăn che lên mà nhìn mặt cậu lần cuối, lúc đấy người tôi như hóa đá, chỉ biết vịn vào thành giường mà khóc. Rồi anh cũng biết, đưa tay vén tấm vải mỏng che mặt cậu để tôi nhìn, nước mắt tôi ứ đầy cả hai mắt khi nhìn thấy người đàn ông tôi gọi bằng cậu nằm đó, cứng ngắc, gương mặt trắng bệch, mắt nhắm nghiền, thần chết đã mang cậu đi rồi nhưng gương mặt vẫn vương lại vẻ đau đớn của bệnh tật in hằn trên từng nét. Mợ ngất lên ngất xuống, thấy tôi về ôm chầm lấy mà khóc nấc “cậu mất rồi cháu ơi, cậu mất rồi…” những câu ấy như khứa vào gan ruột tôi. Xót cậu một phần, nhìn mợ, nhìn em tôi lại thương gấp vạn… ngày tháng sau rồi chẳng biết sẽ ra sao khi không có chồng, có cha bên cạnh… 
Trước khi mất cậu nói với bác tôi xin được hỏa táng và mang về chôn trên mảnh vườn sau nhà ông bà ngoài, bởi đó là đất ông đất cha nơi cậu sinh ra và lớn lên nên cậu muốn được nằm ngủ tại đó. Bác kể trước giờ lâm trung bác hỏi cậu xem có gì muốn dặn vợ con điều gì không thì cậu nói mợ là người hiểu cậu nhất rồi nên cậu chẳng cần nói mợ cũng có thể hiểu những gì trong lòng cậu, còn hai thằng nhỏ… cậu chỉ dừng lại đó và nhìn về phía chúng chẳng nói thành lời… Cậu thương những ngày tháng tuổi thơ không cha sắp tới của chúng,  cậu lo khi cậu đi ai sẽ thay cậu dạy dỗ, chăm sóc, bảo ban chúng thành người, cậu lo gánh nặng cậu để lại rồi mẹ con chúng làm sao mà gánh vác… thế rồi cậu ứa nước mắt… Cậu mất trong đau đớn, mợ nói chưa bao giờ mợ thấy cậu đau như vậy, những lần trước dù đau tới mức nào cậu cũng cắn răng chịu vì sợ mợ phiền lòng nhưng lần này cậu đau như hóa điên, chẳng thể kìm nén được, điều đó khiến mỗi khi mợ nhắc cho ai đó nước mắt mợ chẳng thể nào kìm được…



Trong đám tang của cậu tôi người ta tới rất đông, vì tình làng nghĩa xóm và vì thương cho kiếp người bạc phếch của cậu tôi nên ai cũng ghé… Giờ đưa cậu tôi đi, nhìn cảnh hai thằng nhỏ nước mắt giàn giụa lên thắp hương vái cha chẳng ai có thể kìm được nước mắt… Những đứa trẻ đến giấc ngủ cũng chưa tròn đã phải gánh chịu nỗi đau này, có thể chúng chưa nhận thức được sự mất mát lớn lao chúng vừa phải gánh nhưng rồi ngày tháng dần trôi lỗ hổng tâm hồn từ khi còn thơ dại này sẽ lớn dần lên và một ngày nào đó chiếm trọn trái tim chúng…hẳn điều đó khiến người ta thương thay cho chúng… Nước mắt cũng vì thế mà xót xa tuôn… Nhưng với tôi người đáng thương nhất chính là mợ… những ngày cậu nằm trong viện tôi biết được tình yêu của mợ dành cho cậu lớn như thế nào, mất ăn mất ngủ, chăm bẵm từng li từng tý một, mợ cố gắng gượng từng ngày một để không gục bởi mợ biết mợ mà gục thì cậu cũng từ bỏ, mỗi độ cậu đòi về mợ chỉ khóc thế là cậu lại thôi…nhưng rồi khi cậu mất, nhìn cảnh mợ ôm con khóc tôi lại tái cả lòng… thương cho phận đàn bà một mình ở tuổi 40 tiếp tục nuôi nấng 2 con thơ mà không có chồng bên cạnh, rồi những ngày tháng cô đơn sắp tới liệu mợ có kiên cường mà vượt qua… liệu những khi nhớ cậu nhìn lên bàn thờ nơi di ảnh của chồng bên bát hương nghi ngút khói mợ có yếu lòng mà buông xuôi…

Nhưng rồi người mất cũng đã mất, kẻ sống thì vẫn phải tiếp tục sống, dù có tiếc thương như thế nào đi nữa…Bởi đó là quy luật… Sống trong đau đớn với bệnh tật dày vò hàng ngày cậu đi như vậy có lẽ lại là một sự giải thoát, giải thoát cho cậu…và giải thoát cho cả mợ nữa… Tôi chẳng thể biết về tương lai sẽ mang lại những gì cho con người chúng ta nhưng tôi tin tưởng vào nó, bởi vì thế mà tuy có lo lắng nhưng tôi vẫn tin vào một tương lai tốt đẹp cho em tôi và mợ tôi… Phận làm con làm cháu chẳng thể làm gì hơn vào lúc này nhưng từ ngày nhìn thấy ánh mắt cậu trên Bạch Mai, tôi luôn tự nhủ bản thân phải có trách nhiệm gì đó với đám nhỏ của cậu… Tôi chả biết tôi có thể làm được gì, nhưng ít ra tôi có thể nuôi dưỡng tâm hồn chúng, như đám đồ điện lặt vặt và dáng ngồi cần cù của cậu trong một góc tuổi thơ tôi vậy. Dù có thế nào đi chăng nữa thì tôi vẫn muốn chúng sẽ có một tuổi thơ đẹp…còn tương lai thì chắc chắn tốt đẹp rồi…tôi tin là bố chúng phù hộ cho chúng về những điều như thế…

0 comments

Viết cho ngày Vu Lan

Tôi sinh ra ở một vùng quê miền Trung nghèo, thuở bé với ruộng với vườn hầu như cha mẹ tôi chẳng bao giờ nhắc cho chúng tôi biết về ý nghĩa của ngày Vu Lan, bởi thế đến độ lớn tướng tôi và các em tôi vẫn chỉ nghĩ đơn giản rằm tháng 7 là ngày đốt áo cho ông bà ngủ dưới mộ, và mừng một cách ngây thơ vì cứ tới ngày đó là có thịt, có bánh để ăn. Mãi cho tới khi ra Hà Nội học được tiếp xúc với máy tính với internet thời tôi mới hay rằm tháng 7 chính là ngày để con cái nhớ ơn các bậc sinh thành mà báo hiếu cho họ, lúc ấy mới cảm thấy mình thật vô tâm…



Tôi cũng chẳng rõ bố mẹ tôi không nhắc tới ý nghĩa ngày Vu Lan là vì lý do gì có thể là vì ngại, cũng có thể đơn giản họ xem việc nuôi nấng, bảo ban chúng tôi là nghĩa vụ của mình thế rồi chẳng còn quan trọng hóa nó nữa. Và cứ thế, tuổi thơ của chúng tôi cứ mỗi rằm tháng 7 là lại quây quần cùng bố đốt quần áo giấy, vàng hương cho ông bà, rồi chạy lon ton ra vào trong bếp hóng mẹ nấu đồ lên cúng… Người nhà quê chúng tôi nghèo về vật chất đã đành cách thể hiện tình cảm cũng chẳng mấy sung túc, nói như vậy chẳng phải các ông bố bà mẹ nông thôn là những người vô tâm, chỉ có điều họ không biết cách thể hiện hiện tình cảm của mình với con cái ra bên ngoài, mọi yêu thương giấu kín trong lòng, thay vì nâng niu chiều chuộng họ thương con bằng roi bằng vọt, xót con bằng nước mắt dấu đêm chỉ mong con lớn thành người.

Thuở còn bé, bữa cơm nhà ăn đến miếng thịt cũng phải đợi tới ngày có lễ lớn, quần áo mặc muốn có mới cũng phải đợi tới Tết mới được may, con cái chưa lớn không hiểu hết oán trách cha mẹ tiếc tiền chẳng thương con mà không để ý hàng ngày tới bữa ăn cha mẹ thường nhường hết đồ ăn cho mấy anh em mà gắp miếng rau, miếng cỏ, quần áo mặc mấy năm trời phai màu mưa nắng vá víu chằng chịt chẳng bao giờ than thở lấy một câu… Họ không cho chúng tôi những thứ đắt tiền, nhưng họ cho chúng tôi những thứ tốt nhất họ có, điều đó mãi tới lúc lớn tôi mới hiểu, bất giác tự cảm thấy xấu hổ và áy náy, rồi dần dần bớt cãi ngang, bớt bướng bỉnh, thay cha mẹ chăm các em nhiều hơn…cũng như lời xin lỗi

Đến khi đậu đại học, ra Hà Nội, bố mẹ mừng lắm, nhưng cũng biết mừng là mừng thế chứ mừng cũng đi kèm với nỗi lo… Biết mẹ lén cha khóc ướt gồi hằng đêm vì nhớ và lo cho tôi nơi đất khách, biết cha vẫn thức trắng từng đêm cùng khói thuốc vàng úa các đầu ngón tay để nghĩ ngợi về việc kiếm tiền trang trải học hành cho thằng lớn… Chẳng ai nói tự tôi cũng biết, cứ mỗi độ về thăm nhà nhìn tóc cha thêm sợi bạc, nhìn trán mẹ đặng nếp nhăn, hai dáng người thân thuộc hao gầy đi cùng năm tháng, lòng đứa con nào chả xót…Để rồi cố gắng học hành chăm chỉ, mong sao cho sớm ra trường, chẳng biết tương lai mang lại cho mình những gì, nhưng ít nhất là bố mẹ đỡ vất vả…đơn giản chỉ thế

Đến khi ra trường, đi làm, lao đầu vào cuộc sống, dù muốn hay không những đứa con thơ dại dần bị ép thành người lớn để rồi bơi ra với xã hội mà vẫy vùng, mà khẳng định bản thân mình. Chẳng bao giờ lòng cha mẹ hết lo, nhưng họ không ngăn cản con cái, tương lai của nó để nó quyết định. Có chăng là cuộc gọi của mẹ già lúc nửa đêm dặn dò phải biết tự chăm sóc sức khỏe, cuối tháng này về ăn cơm kẻo lâu lắm chưa về, hay tiếng ho văng vẳng của cha nơi đầu dây bên kia nhắc nhở thằng cả mau mà lo chuyện vợ con để hai cái thân già còn có cháu bồng cháu bế. Con cái lớn đi xa chẳng còn đứa nào ở nhà, hai bóng người vật vờ từ sáng đến tối, thấy cô quạnh, tuổi này rồi, cũng mong có cháu…Những lúc ấy chỉ biết cười khì…



Có những thứ tình cảm chẳng phải thể hiện bằng lời nhưng bạn vẫn có thể cảm nhận được sâu sắc hơn tất cả mọi thứ, đó chính là tình yêu thương… Nếu ngày bé đòn roi từng làm bạn tức giận, thậm chí là căm ghét những người sinh thành ra mình thì đến lúc trưởng thành có những khi bạn ngồi ước được một lần nếm lại trận đòn roi ấy thêm một lần nữa, bởi lẽ xã hội còn cho bạn những trận đòn đau hơn như thế nữa nhưng chẳng có ai đánh bạn xong lại rơm rớm nước mắt vì xót xa cho bạn như bố mẹ mình. Nếu ngày bé bạn từng mong ước lớn thật nhanh để bay xa thoát khỏi sự kìm kẹp của gia đình thì khi lớn lên bạn lại chỉ mong ngóng cho dịp trở lại với căn nhà thực sự của mình nơi có cánh cửa chẳng bao giờ khép, có vòng tay ấm ấp của cha mẹ luôn dang rộng chào đón bạn trở về dù bạn có là đứa con tội lỗi tới mức độ nào đi chăng nữa…


Hôm nay là rằm tháng 7, lã lễ Vu Lan, lễ báo hiếu, tôi, bạn và tất cả mọi người đề có những người cha, người mẹ, tôi tin rằng tất cả chúng ta, ai cũng vậy sẽ thật khó để nói lên những từ “Con yêu mẹ cha” nhưng đó không phải là lý do để bạn gạt phăng tình cảm của mình dành cho họ… Hôm nay hãy thử gọi điện nói chuyện với họ lâu hơn thường ngày, hãy cùng họ nấu một vài món ăn và quay quần bên mâm cơm thay vì những ngày bận rộn chẳng về nhà, hay hãy dành cho họ một món quà nào đó bất ngờ chẳng hạn… Có những thứ tình cảm không nhất thiết cứ phải thể hiện bằng lời…bởi lẽ khi con người ta yêu thương nhau…tự tâm hồn chúng ta sẽ cảm nhận được… Chúc các bạn có ngày lễ Vu Lan thật an lành và ấm áp…

0 comments