Dảo nhỏ, cứ mỗi độ nắng đổ vàng những ngọn bàng trước cổng nhà là tôi biết mùa gặt sắp đến. Mùa gặt là mùa chả mấy vui vẻ gì với đám trẻ ham chơi tụi tôi, lẽ ra sau những ngày tháng úp mặt vào sách vở và những đạo lí chán ngắt mà thầy cô bắt tụi tôi nhồi ở trường thì mùa hè này phải là thời gian để chúng tôi thỏa thê tắm đập hay tận hưởng những trưa không ngủ đi lùng xục đám chim non hay rủ nhau đi ăn trộm hoa quả mới phải. Ấy thế mà chả ít thì nhiều chúng tôi cũng mất mất nửa tháng cho gặt hái và thu hoạch và rồi mất thêm nửa tháng nữa để cho phơi phóng các kiểu, nghe thế có chán không?
Vụ tháng 5 luôn là vụ chính với người nông dân quê tôi (còn các quê khác dư lào tôi không biết hehe) không chỉ bởi vụ này nhà nào cũng cấy nhiều, cũng phải thu hoạch nhiều mà vụ này là vụ lúa trên đồng cho đến thóc về nhà no nắng nhất, hương của gạo cũng nhờ thế mà thơm. Người quê tôi dảo nghèo xơ xác, ngoài bám ruộng bám đồng, thì chỉ có đi làm ăn thật xa trong mãi mạn Bình Dương, Sài Gòn thì mới có tiền, mà người trước nói xa làng xa quê đâu có dễ, bởi thế mà mùa gặt luôn được xem như một mùa quan trọng nhất trong năm, quan trọng hơn cả Tết.
Mỗi độ lúa ngả vàng, đồng áng luôn đông vui nhộn nhịp. Người ta đi gặt từ 4 giờ sáng, khi con gà trống thiến xót nhà tôi còn chưa kịp gáy be be, khi ngọn dừa trước cổng cao đến thế vẫn chưa nhìn thấy mặt trời đâu thì ngoài đường đã dậm dịch tiếng các bà các mẹ quẩy quang gánh ra đồng. Con nít chúng tôi tất nhiên, cũng bị vực dậy, tôi vẫn nhớ như in câu nói bố tôi vẫn dùng mỗi sáng "hết thời gian chây lười rồi, dậy thôi". Mẹ tôi thì thường dậy sớm hơn lo cơm nước rồi lợn gà xong xuôi, ăn nhanh bát cơm, rồi bắt đầu mới vào dục nốt cái ngái ngủ của mấy anh em. Quê tôi dảo chưa có tục thuê mướn, với lại chả có tiền để thuê, nên người này đi gặt cho nhà người kia và hum sau người kia lại đi trả công lại, nó thành cái nét văn hóa đẹp, bởi đó chính là cách mà con người ta giao tiếp và gắn kết với nhau trong tình làng nghĩa xóm hehe Ấy thế nên cái ruộng dài cả mẫu cũng chỉ vỏn vẹn xong trong buổi sáng. Lúa cứ từ ruộng lên bờ rồi từ bờ được những người đàn ông và lũ nhỏ thồ thằng về nhà.
Người nhà quê thì ai cũng tham công tiếc việc, thấy ruộng nhà háng xóm gặt rồi mà ruộng mình chưa kịp gặt là lo. Mẹ tôi bảo "gặt chậm thì lúa chín quá rũ cả bông thành ra hạt dễ rụng, khi thu hoạch về hạt đi đường rơi hết thành phí của. Mới nữa người ta gặt hết đồng không đồng chống chuột bọ lại chui hết vào ruộng mình mà ẩn nấp, rồi cái đám trẻ chăn châu lùng chuột đồng, lùng ếch nhai nó tha đấy, nó chả vào quần nát". Thế nên cứ có người xuống ruộng gặt cái là mấy nhà liền bờ cũng theo nhau gặt luôn... Đi gặt ngày mùa mới độ 7 rưỡi, 8 giờ là nắng chang chang, cái nắng miền trung thì gắt lắm nhưng dường như các mẹ chả biết mệt cứ gặt rồi gánh thóc phăng phăng.. mãi độ 10 rưỡi khi cơn nắng đốt héo rũ cả lá cây xấu hổ thì đồng mới thưa người... Cực cực là...
Tôi nói là ghét mùa gặt thế chứ mỗi độ gặt về con nít làng có cả ối trò hay. Đi gặt giúp bố mẹ chả được mấy chỉ thấy cả buổi đuổi bằng được con châu chấu rồi xâu thành xâu đeo lên cổ khoe như chiến lợi phẩm, cái ruột cây lúa có thể làm được nhiều trò hay nhé, nào là bấc kèn thổi te te cho đến làm mũi tên bắn xa tít, rồi cả lũ chiền chiện làm tổ giữa ruộng nữa, đó mới là món quà tôi mong nhất... Chiền chiện thường dùng rác và quần một túm thân lúa lại với nhau để đan thành tổ. Đám chiền chiện nhỏ người nên tổ cũng chẳng lớn, độ 3 cụm lúa là tạo thành cái tổ chắc đét, nít quê thì còn gì thích bằng chim, mỗi độ đồng về mà vác theo được tổ chiền chiện là cả đám còn lại thèm thuồng, ấy thế nhưng nuôi chiền chiện thì chả dễ, thế nên thường thằng nào cũng thế cứ mang về nhà được hai hôm là bỏn nghẻo cả, buồn đến thối ruột.
Ngày đi gặt nhưng đêm vẫn là nghỉ hè thực sự. Con nít quê có đủ trò nghịch khi ở cạnh nhau. Cả làng vào mùa là thơm mùi rơm mới. Cái mùi nhẽ chả đứa con nít nào ở quê lớn lên có thể quên được, nó ngọt ngào và thoang thoảng cả cái tháng 5 cho đến hết tuổi thơ, rồi vương vấn tới tận bây giờ. Rơm ở khắp mọi nẻo đường, rơm phơi khô không chỉ để nấu bếp mà còn là lương thực của trâu bò và làm gio ủ phân rải ruộng cho vụ đến, thê nên chả nhà ai bỏ. Con nít chúng tôi thì coi đó như những lô cốt trận địa, những pha vật lộn, những trận tử chiến hay các pha biểu diễn hành động đều có thể diễn ra tại những ụ rơm như thế này, thế rồi mồ hôi mồ kê nhễ nhãi, rơm ngứa gãi đành đạch về cũng chả thèm tắm leo lên giường ngủ, hương rơm cứ gọi là đượm cả vào giấc mơ hehe.
Còn những ngày chạy thóc khi trời đổ mưa vội nữa cũng hay. Thóc thì thường phơi theo mẻ, bởi người nông dân không trồng một loại, thóc để ăn khác, thóc bán khác và vì thế nên phơi phóng của phải chia làm nhiều mẻ tránh để lộn. Ít nhất thóc gặt về cũng phải phơi được một nắng thì mới yên tâm không sợ nẩy mầm hay mốc. Tôi thề dảo tôi ghét cái sân gạch nhà tôi một phần là vì thế, bình thường trông nó đã rộng thênh thang rồi đến mùa phơi thóc nó lại càng rộng. Sân gạch thì có từng ô, chứ không bằng phẳng, hạt thóc rơi vào kẽ gạch là dùng chổi quét mãi mới lên, cái sân thóc phải mất cả tiếng đồng hồ, nên mỗi độ mưa vội mà chỉ có bà nội và mấy anh em ở nhà là xác định đút nút hốc thoát nước trước rồi chạy đến đâu thì chạy. Gạo muốn trắng muốn thơm thì thóc ít ra cũng phải phơi được 3 nắng, đủ cho khi bỏ hạt thóc vào miêng cắn nhẹ nghe tách một cái, trấu đi đường trấu, hạt đi đường hạt thì là ok có thể mang đổ giương trữ chờ ngày đi sát. Còn mẻ nào để bán thì tất nhiên công thức khác chút, phơi 2 nắng thôi để hạt cân cho còn nặng, bán còn được năng xuất hehe
Con nít nhà quê lớn lên gắn liền với đồng với ruộng với những vất vả của một nắng hai sương nên hạt cơm ăn rơi ra cũng được bố mẹ dạy nhặt lên đút vào miêng ăn tiếp. Đó chẳng phải tiết kiệm hay nghèo khó gì mà là dạy cho bọn tôi biết quý công lao làm nên hạt gạo. Xa quê cả chục năm trời tôi vẫn giữ cái cách bố dạy nhặt hạt cơm rơi vãi đó, thi thoảng có dịp vẫn ghé về quê, nhưng mùa gặt thì chẳng còn được về mà ngửi mùi rơm nữa. Bây giờ thì máy móc các kiểu cũng đỡ khối cho bà con nhưng mỗi khi tháng 5 cạn dần như thế này là tôi lại nhớ tiếng í ới gọi nhau giữa đồng vàng ánh nắng của các bà các mẹ. Mong năm nay bà con lại được mùa...
M!