Đời người và những chuyến tàu ly biệt

Ai rồi cũng phải kinh qua cái khoảnh khắc ấy một lần trong đời, sớm hay muộn, chóng vánh hay bịn rịn mãi không muốn rời xa nhưng rồi cái thời khắc ấy nó cũng sẽ tới và đưa một ai đó đang gần gũi thân quen với bạn tới một nơi xa tít tắp…

Tuổi của ta là tuổi của trái tim

Người ta nói rằng với phụ nữ, chỉ nên nhớ ngày sinh nhật và hãy quên đi năm sinh của họ. Nhưng tôi nhận ra điều đó không chỉ đúng với phụ nữ.

Này, em có cô đơn không?

Những người hiểu rõ nỗi cô đơn phải chăng là những người ở trong nó? Những người luôn nói về nỗi cô đơn liệu có phải là những kẻ cô đơn thực sự?

Tháng 7 dài như một giấc chiêm bao

Chẳng rõ hạ đã nói lời từ biệt hay chưa nữa nhưng tháng 7 đến gõ nhẹ bên hiên nhà những hạt rơi lách tách, tắm dịu cả cái ngột ngạt của Hà Thành sau chuỗi ngày như thiêu như rụi...

Bà ngoại tôi

Từ ngày bà mất, chẳng biết có phải hợp vía bà như mẹ tôi nói hay không mà tôi vẫn gặp bà xuốt trong những giấc mơ của mình. Nó đều đặn tới mức có những lúc len lỏi trong giấc ngủ, tôi cứ ngỡ...

Labels: ,

Lão Vông

Lão Vông là hàng xóm kế bên xóm trọ tôi. Lão hơn tôi chừng 6 tuổi, đẹp trai, đa tài nhưng nổi tiếng là người sợ vợ trong cái hẻm 317 này, ấy thế nhưng lão lại được mọi người kính nể với tài uyên thâm của mình, vạn sự không qua được mắt lão, cái gì lão cũng tường, cái gì lão cũng thấu, hẳn thế mà chẳng học hết đại học nhưng lão cũng tự mình cất được cái nhà 5 tầng to lù lù như cái lô cốt xây từ thời thuộc địa Pháp ngay giữa hẻm. Hôm lão đánh trần mặc cái xà lỏn ngồi hút thuốc lào quán bà Khoa đầu ngõ tôi mới lân la lại gần. 



- Bác Vông chả hay có sang trời Âu, trời Úc gì du học hay không mà vạn sự gì bác cũng thấu thế? 
Lão Vông đưa cái điếu lên kệ miệng kéo một hơi rõ dài, nhả khói ra đoạn lão nhâm nhi vị phê pha nơi cuống họng rồi chép miệng trả lời tôi:
- Âu, Úc cái chó gì tao, nhờ ơn vợ tao cả đấy
Tôi tròn xoe mắt:
- Bác nói thế nào, cả cái hẻm này đều biết bác sợ vợ, biết chị nhà không phải dạng vừa, ho một tiếng là bác không dám à ơi, em nghĩ bác chẳng khổ quá ấy chứ?
Biết mình lỡ lời tôi vội vàng lấy tay bịt miệng. Lão Vông đặt cái điếu xuống chân bàn rồi nhìn tôi cười khà khà như Liên Xô cũ:
- Cha nhà chú, nói lại không tin, con vợ anh ghê gớm thật nhưng anh may là cũng nhờ cái ghê gớm đó đấy chứ chả đùa đâu
Thấy tôi có vẻ ngơ ngác lão đưa tay với cốc trà đá đặt trên bàn làm một nhấp, xục xục cho trà lan đều trong vòm họng một lúc mãi tới khi tôi thấy cái yết hầu nơi cổ lão chạy lên rồi lại chạy xuống thì lão mới lại tiếp tục nói.
-Con vợ anh vốn cũng ít học thế nhưng nó lại biết khôn khéo dùng cái mồm để khỏa lấp cho cái thiếu thốn đó, tiên sư mấy cái trường đại học, để anh nói chú nghe chứ nếu mà có môn đời thì con vợ anh hẳn đã là giảng viên thuộc loại một rồi. Nói hơi nhiều tý thôi nhưng chú nghĩ mà xem, phàm những người phụ nữ lắm lời trong cái xã hội này có phải đều là người biết lo cho chồng, cho con, biết chăm chút cho gia đình hay không?
Tôi áp bàn tay lên chén trà nghi ngút hơi đá đang bay lên, đầu gật gật ra điều chăm chú nhìn lão
- Đàn bà trên thế gian này có hai loại, loại nhiều đàn ông thấy đẹp và loại không nhiều đàn ông thấy đẹp ?
Đoạn này tôi cứ ngồi gãi gãi đầu một hồi rồi mới dám nói 
-Ơ,thế khác đéo gì anh đang phân loại đàn ông chúng ta
Lão Vông vỗ vai tôi cái bạch cười hô hố phán:
-Đúng, chú em hiểu đúng rồi đấy, quan trọng vẫn là cách nhìn nhận của đàn ông chúng ta. Đàn bà dù hình thức bề ngoài thế nào cũng đều phụ thuộc vào phán xét của mỗi người khác nhau. Chú mày yêu em nào đó thực sự thì dù nó xấu đến mấy chú vẫn yêu, còn một khi không có tình cảm thì kể cả Mai Phương Thúy tới gạ gẫm chú thì hoa hậu cũng chỉ mãi mãi là người đến sau, đúng phỏng? Với tình cảm vợ chồng thì nó không chỉ còn là nhìn bằng mắt nữa.
Tôi lại gật gật tuy chưa hiểu lắm, lão lại tiếp
-Thời gian yêu và thời gian sau khi cưới khác nhau hoàn toàn. Chú chưa biết đấy thôi chứ không có gì đáng sợ bằng việc về nhà vợ nó không nói gì. Hốt lắm. Đấy hôm rồi ở ngõ xóm chợ kìa, chiến tranh lạnh rồi đâm đơn chia tay đấy, mà chú biết nguyên do là gì không? Vì chuyện xuốt ngày up mặt vào cái điện thoại không chịu giao tiếp với nhau đấy. Ghê chưa? Thế nên cái lời nói trong cuộc sống này nó quan trọng lắm
Lão lại vê bi thuốc tròn tròn trong tay quay sang với cái bật lửa rồi nói tiếp
-Anh đéo biết định nghĩa sợ vợ là như thế nào nhưng anh nghĩ vợ mình thì sợ đéo gì mà không sợ, mà có không sợ đi chăng nữa, tốt nhất cũng nên giả vờ sợ, đàn bà tưởng khó tính mà dễ chiều lắm, mày xem vợ anh đó, mồm bô bô, tính khô như bã mía ép phơi nắng thế thôi chứ anh biết rồi nhường nhịn tý là đấy,chăm chồng con chắc không ai bằng. Thiên hạ không biết nên nói nhăng quậy, anh cũng kệ mẹ. Gớm chứ oách với thiên hạ làm gì trong khi người chung tay với mình trong cuộc sống chỉ có vợ mình. Phải không chú?
Nói xong lão đút bi thuốc vào ống điếu châm lửa rít, tôi nhìn lão trầm trồ trong bụng nghĩ, người đâu mà đến cái tiếng hút thuốc lào nó cũng sang. Nhưng sực nhớ ra tôi mới nói:
-Có lẽ anh rất yêu chị nhà và có lẽ em sẽ làm anh mất hứng nhưng hình như anh đang đi lệch câu hỏi, em hỏi bác là vì sao bác thông tường vạn sự thế cơ mà?
Lão Vông vỗ đùi cái đét cười lớn rồi trình bầy:
-Thì đấy anh bảo là do con vợ anh mà, nó như cái bảng tin ở nông thông thời bao cấp, như cái loa phát thanh của nhà nước ta sau những năm 92, nó buôn thì khỏi nói, từ đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất gặp ai cũng có thể buôn và buôn thì quên ngày tháng. Ấy vì thế mà nó hầu như nắm hết thông tin trong nước và ngoài nước. Chả phải mê tín chứ hôm nào nó không khà khịa với anh thì nó lại ngồi kể cho anh nghe mớ chuyện nó thu thập được trong ngày hôm đó đâm ra anh cũng dần học cái thói quen nắm bắt thông tin kiểu đó mà không còn quan tâm tới báo chí tạp nham bây giờ nữa.
Tôi téo chết sặc thì lão lại nói nữa
-Ấy thế nhưng anh khuyên chú một điều, mỗi khi làm việc gì lớn thì chớ dại mà nghe lời phụ nữ 
-Anh nó thế là sao?
- Tào Tháo trong tích Tam Quốc xưa có dạy: " Phàm những chuyện đại sự trong thiên hạ nên về nhà hỏi vợ, vợ bảo sao cứ làm ngược lại ắt sẽ thành công" 
Tôi cười quơ tay téo làm rơi li trà. Lão phân tích :
-Đàn bà sống theo cảm tính nhiều, cảm tính một cách thái quá, đó là lý do trong cuộc sống nhiều cô, nhiều chi thường hay thích than vãn hay thích ủ ê hay thích buồn bã vì mấy chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. thế nên những vấn đề con con thường bị phức tạp hóa ra dẫn đến rối rắm, cuối cùng những sự lựa trọn trong cái rối rắm tất nhiên sẽ thiếu chính xác rồi. Chú có nhớ vụ « tôi chắc chắn vì tôi đã đọc tác phẩm này 3 lần rồi » trên ai là triệu phú rồi không?
Đang nói dở câu chuyện thì vợ lão đi chợ về, vừa thấy thấp thoáng bóng vợ từ đầu ngõ lão đã vội vàng trả tiền nước thuốc rồi vỗ vai tôi :
-Đàn ông không cần là cái bằng khen trong xã hội, chúng ta phải là viên gạch tạo nên nền móng vững chắc trong một căn nhà trước đã. Cái danh hư ảo kia chẳng được mấy đâu, quan trọng là gia đình mà ta đã chọn lựa kia kìa.
Nói đoạn lão vội vàng chạy lại xách đồ cho vợ, dáng lom khom miệng cười toe toét trông đến đáng yêu. Tôi mỉm cười hớp miếng trà bất chợt ngẫm nghĩ : « Bỏ mẹ, thế phải tốn bao nhiêu viên gạch thì mới làm được cái móng nhà ? »
‪#‎CườngLightning‬

0 comments
Labels: , ,

Kẻ cô đơn và chiếc bóng!!!



Tôi đứng rọi mình vào trong gương
Thấy mái tóc xanh bết màu mưa, màu nắng
Đường đời đen trắng
Vương lên hình hài những góc cạnh thời gian


Tôi đứng rọi mình vào trong gương
Đôi vai gầy buông lập lờ lạnh
Tình yêu, tình bạn có khi nào tiếp cho ta sức mạnh
Hay chỉ càng bùng cháy sự lẻ loi

Tôi trở mình nhưng vẫn nhìn bóng đứng trong gương
Tấm lưng trần gánh đời ôi rộng quá
Sợ một ngày tuổi trẻ kia cũng rơi như lá
Bỏ khát vọng giữa chừng nhắm mắt mà đi

Tôi ngoái lại nhìn thẳng đôi mắt ở trong gương
Này gian khó có bao giờ làm ta gục bước
Điều nào sau, điều nào trước
Cuối cùng rồi cũng cuốn hết một đời thôi

Tôi ghé sát lại thì thầm cùng cái bóng ở trong gương
Này thằng ngốc mày nhìn gì tao thế
Cái bóng mỉm cười buông mình xuống ghế
Kệ đời, kệ người, kệ câu hỏi một thằng tôi

‪#‎CườngLighting‬

0 comments
Labels: , , , ,

Nỗi nhớ có vị chi?




Ta hỏi em nỗi nhớ vị chi?
Ngọt socola hay đắng ngắt viên thuốc mẹ đưa thuở bé
Ta hỏi em ngày tháng có vị chi?
Sao người ta cứ bảo mặn giọt đầy mắt?

Em ghé qua tôi những ngày cuối tháng 3
Mưa phủ kín trắng ngần hai đầu thành phố
Phía trái ngực kia tim lạc nhịp ngồ ngộ
Hay là ta biết yêu...

Mùa này Hà Nội chẳng còn gió heo may
Chỉ có mưa tắm ướt đêm và phủ bạc đầu ngọn đèn vàng ven ngõ
Ta nhốt nỗi nhớ em vào trong chiếc lọ
Chiếc lọ pha lê chẳng giấu nỗi cơn say

Cuối tháng 3 dần lọt xuống kẽ tay
Đêm chẳng ru nổi mình để mưa rì rầm khóc mãi
Em chẳng trả lời ta nên ta ngô nghê hỏi lại
Này này em...nỗi nhớ... vị chi?

#Lightning

0 comments
Labels: , , ,

Câu chuyện về Hà Nội và những bóng cây xanh

Cây xanh là gì hả ba?
Cậu bé Hà Nội ngóc mắt nhìn hỏi bố
Người đàn ông vuốt đầu con trước câu hỏi ngồ ngộ
Cây xanh à? Umh, cũng đã lâu rồi cái chuyện Hà Nội và những bóng cây!!!




Chuyện kể rằng Hà Nội của ngày xưa

Cây phủ lối khắp đường dài, lối nhỏ
Nào Nguyễn Du, Ngọc Hồi cho đến ga Hàng Cỏ
Rồi Nguyễn Chí Thanh, đường Láng hay cả quận Ba Đình

Cây xanh chúng mọc lên che trở chúng mình

Phủ bóng mát dợp kín trời Hà Nội
Những ngày hè dù có nắng nóng bố cũng chẳng phải vội
Bởi có chúng vuốt ve cùng con gió hiền hòa

Con biết không đã từ thuở ông bà

Cây gắn chặt như tâm giao với đời người phố thị
Có những tình yêu sinh ra từ những gốc cây giản dị
Có những tán cây rất người nơi thành thị phồn hoa

Rồi ai đó ra lệnh chặt hết cây của chúng ta 

Nghe đâu bảo để đô thị hóa toàn thành phố
6700 gốc cây bám rễ bao đời kể cả đời của bố
Và họ chặt…chặt hết con biết không

Và Hà Nội giờ chỉ vậy thôi

Những đường ống, những tòa nhà xi măng nhìn gai góc
Những hố ga, những con đường nặng nhọc
Những đứa trẻ như con chả biết cây cối là gì…

Đứa trẻ thơ ngây níu áo bố thầm thì

Bố ơi bố lớn lên con sẽ trồng lại thành phố
Hà Nội của con không cần gì đâu cái đồ xộ
Hiền hòa như bố thôi là Hà NộI đủ đẹp rồi…

Người đàn ông mắt nhìn con nghoẻn miệng cười...


#Lightning

0 comments
Labels: ,

Ông ngoại

Ông nội tôi mất từ ngày tôi mới bằng quả ổi non trong bụng mẹ nên khi sinh ra tôi chẳng có chút kỷ niệm nào về nội cả, đó là lý do trong ký ức tuổi thơ tôi lúc nào tôi cũng đinh ninh ông ngoại là người ông duy nhất của mình, chính điều đó làm tôi thấy mình khác biệt so với những thằng khác, tôi chỉ có mỗi một ông. Và với tôi lúc đó, một ông cũng là đủ.



Năm nay ông tôi 91 tuổi, đó là theo đúng giấy tờ nhà nước, còn thực tế ông bao nhiêu tuổi thi đến cả ông cũng chả nhớ nữa. Ấy nhưng mà về cái làng Thanh Xá nhà tôi, Chỉ cần hỏi ông Giáo Viễn thì hầu như ai ai cũng biết. Chẳng phải ông tôi trước làm thầy, làm đồ gì mà đơn giản bởi bác cả tôi tên là Giáo và quê tôi thì thường có cái lệ lấy tên con cả để gọi cho mình. Đang nói dở vì sao ông tôi "nổi tiếng" như thế. Ông tôi kể lại rằng, ngày trước ông cụ bà cụ ngoại nhà tôi sinh ông ngoại tôi ra vốn cũng là nhà có chút của, thế nên ngay từ dạo đầu còn để ba chỏm ông tôi đã được đi cho đi học cái chữ Nôm, chữ Nho của các thầy đồ trong làng. Dạo ý, không phải ai cũng được học, nhưng ông tôi may mắn được hai cụ tôi thuê hẳn thầy về dạy tư tại nhà. Nhưng vốn nghịch ngợm chả chịu học nên ông bà cụ thấy thế bèn bàn với gia đình cụ Thành làng trong để hai ông học cùng cho có bầu, có bạn. Thế rồi có bạn vui vẻ ông tôi cũng học ra ngô ra khoai, ông học được hết 2 cuốn tự (ngày xưa có cả thảy 4 cuốn ông tôi mới học hết 2) thì có cái chữ quốc ngữ ra đời, chữ nho, chữ nôm thất sủng, chả còn ông Nghè, ông Cống nữa nên ông chuyển sang học cái chữ "của Tây" như ông gọi. Có cái con chữ ông đọc hết những gì ông bắt được trong tay, đó là lý do mà đến hiện nay dù chân ông chẳng còn linh hoạt nữa nhưng mắt vẫn không dời tờ báo hoặc cuốn sách, thậm chí tôi hỏi ông tích gì, truyện gì, triều đại nào ông cũng có thể kể cho chúng tôi nghe vanh vách một lèo như nghe người kể chuyện trên đài vào mỗi tối vậy.



Hết giặc Pháp rồi giặc Mỹ sang, khi có sức có vóc ông tôi xung phong đi chiến trường. Ngày còn bé tôi lấy làm tự hào thay ông mỗi lần ra nhà ông ngắm nghía tấm huân trương hình ông sao được đặt trong khung gỗ với một tấm bằng khen ghi dòng chữ "huân chương kháng chiến hạng 3" mà nhà nước trao tặng, chẳng biết đó là cái gì nhưng thấy ông treo lên tại một nơi trang hoàng nhất nhà tôi nghĩ đó hẳn phải là thứ quý giá nhất mà ông có.
Sau khi đất nước giải phóng ông được điều về làng làm thuế má. Dạo bà ngoại tôi còn sống bà tôi kể lại rằng cái thời cải cách ruộng đất theo nghị định của nhà nước ông đi thu của cải các nhà địa chủ trong làng, vàng bạc, của cải mang về đổ một gian nhà sáng tới chói cả mắt, nhưng ông nhất quyết không đụng vào một khắc, ông nói đó là của nhà nước, ông không muốn mang tiếng tham, tiếng xấu, ông sợ có lỗi với Đảng, với nhà nước nên ông chỉ khóa cứng cửa lại rồi bắc chõng nằm canh chờ bên trên về thụ lý.
Ông tôi lấy bà tôi năm 21 tuổi, ông nói, dạo ý con trai muốn cưới vợ phải có tiền, con gái nhà ai bình thường thì vài chục đến một trăm quan, còn cô nào xinh xắn mà giỏi giang thì tiền thách cưới phải tới mấy trăm quan. Ông kể thêm, bà ngoại cũng thuộc người có chút nhan sắc, tuy không được ăn học nhưng da trắng và biết làm lụng thế nên ông xin ông cụ bà cụ sang nhà hỏi bà về làm vợ cho ông, ông bảo phải dành 200 quan mới hỏi được bà về cho ông đấy (200 quan tương đương với 200 đồng tiền lẻ bây giờ). Mà cái chuyện của ông bà cũng thú vị, ông kể rằng, người xưa có biết yêu đương là chi mô, gặp một hai lần, thấy thích hỏi nhau về sống với nhau rồi tình cảm khăng khít nó tự thành tình yêu, thế nên mỗi độ ông nghe thấy chuyện con cái nhà ai, ở trong làng vợ chồng lục đục bỏ nhau là ông lại lắc đầu tặc lưỡi.
Ông bà tôi sinh được 9 người con, mẹ tôi là con thứ 7 trong nhà. Ngày còn bé nhà tôi không có vườn nên tôi khoái ra ông, tất nhiên, cái vườn be bé sau nhà ông với tôi ngày ấy là cả một thiên đường nơi quy tụ đủ loại hoa quả thần thánh ấy là chưa kể đám bọ xít dùng làm xe, lũ chim non hay cả những trò nghịch dại của anh em nhà tôi trong những trưa hè trốn ngủ lên vườn nằm quậy cũng biến cái tuổi thơ trong tôi lúc nào cũng rực rỡ sắc màu. Nhưng mà cái anh em tôi thích nhất là ông bà lúc nào cũng chiều cháu, cái gì cũng để dành, cái gì cũng cho, chẳng cấm đoán gì cả, khác hẳn bố mẹ tôi đụng tý là đòi quất, đụng tý là bắt nằm xuống. Kể từ ngày ông về hưu ông chỉ ở nhà với bà, bà tôi mắt kém, tai không tốt, tính thì lúc nhớ lúc quên nên ông cũng cứ dành làm hết. Về nhà buồn, ông lên vườn chặt tre xuống đan rổ, đan xảo, đưa bà mang ra chợ bán, ông trồng thêm chuối và các loại cây ăn quả khác ở cái vườn dưới, ông chăm non, phát bụi cho cái vườn trên... Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua như thế cho tới ngày con cháu trưởng thành hết... Con cái có gia đình riêng, các cháu lớn lên bắt đầu đi học, đo làm xa nhà cả, cái căn nhà ôm ký ức tuổi thơ ngọt như viên kẹo của tôi chỉ còn bóng một ông cụ và một bà cụ thi thoảng đi lại rồi nói chuyện nhè nhẹ với nhau. Mỗi độ tôi về là tôi lại ra chơi, lần nào cũng thế ông vui lắm, ông bỏ tờ báo xuống ngồi thẳng dậy nói chuyện với tôi như lâu lắm nhà mới có thêm người vậy. Hai năm nay ông bị bênh về khớp, đầu gối khó cử động, lại thêm một lần bị ngã dạn xương mông nữa khiến ông giờ muốn đi đâu là phải có cái ghế chống mới đi được. Bà tôi thì tính lẫn hẳn, trong tiền thức vẫn cứ nghĩ như mình đang ở đâu đó trong cái thời bao cấp, suốt ngày lên vườn nhặt nhạnh từng quả bưởi rụng, thị rụng mang xuống chợ bán, chẳng ai mua lại lẽo đẽo mang về, kệ ông hay các bác nói cũng cứ ậm ừ, chả biết có nghe được hay không nhưng mai lại thấy lên vườn nhặt quả tiếp. Cũng bởi vì thế mà cái ngày bà tôi bị ngã trên vườn tôi thấy bà nằm luôn chả chịu dậy nữa, đợt về ra thăm bà nói "có cái con ma nó xô bà mày ạ!" ông tôi ở giường bên vừa cười vừa nói "bà mày nói lung tung, ma đâu mà ma, bà tự ngã thì có". Thế rồi được vài tháng thì bà yếu dần. Năm nay các bác tôi tính tổ chức lễ mừng thọ cho bà tròn 90 vào mùng 2 Tết, nhưng bà chẳng trụ được, 5h sáng hôm 28, mẹ gọi tôi dậy "dậy đi Cường, dậy vào thăm bà, bà yếu lắm rồi" lúc tôi vào thì chả kịp nữa. Hôm ý là lần đầu tiên tôi thấy ông khóc, gần hết cuộc đời ông bà luôn bên cạnh nhau thế mà giờ bà bỏ ông đi trước, nước mắt ông chẳng đọng thành giọt mà rớt xuống nữa, nó nhòe đi theo đường từng nếp nhăm mà ướt hết cả khuôn mặt. Giây phút người ta đưa bà ra đồng, ông vin vào thành giường cố gượng dậy nhìn về phía quan tài nơi người vợ của mình đang nằm trong đó rồi khóc hu hu như một đứa trẻ. Tôi bỏ kệ tất cả chạy lại ôm lấy ông rồi cùng khóc. Tôi thương ông rồi ngày tháng sau này thiếu bà nỗi cô đơn và nỗi nhớ liệu có để ông yên. Tôi lo cho ông rằng những ngày tháng lẻ bóng tới khi con cháu lại bay ra với đời hết thì liệu ông có buồn lòng mà suy kiệt để rồi lại theo bà đi về với tổ tông nữa.




Hôm trước khi ra Hà Nội tôi tới thăm ông, Lúc tôi vào thấy ông đang nằm đọc sách, ngó qua mới biết đó là một cuốn kinh cầu an của nhà chùa, bác tôi kê giường cho ông nằm ngay trước bàn thờ bà và kể từ ngày bà ra đồng ông đều đọc cuốn kinh ấy mong cho bà sớm siêu thoát. Tôi ngồi nói chuyện với ông mãi, chuyện về hồi nhỏ của mấy đứa cháu, chuyện về cái khu vườn giờ cũng như tuổi của ông rậm rạp và già cỗi um tùm chả ai phát, chuyện về bà, về món cá kho mặn chát của bà rồi nhiều chuyện khác... tôi nấn ná chẳng muốn về vì tôi biết, tôi về xong lại chỉ mỗi mình ông ngồi khóc trước di ảnh của bà. Ông nói ông nhớ bà lắm... Tôi cũng thế, tôi nhớ bà và tôi thương ông hơn, bởi vì thế nên kể từ lúc chào ông để ra về tôi tự hứa với mình, chỉ cần có dịp nghỉ là tôi sẽ chọn về quê thay vì du lịch hay bay đi các phương trời mới như những đứa bạn khác. Vì tôi sợ...chẳng biết...tôi còn được gặp ông bao nhiêu lần nữa...

0 comments