Từ ngày bà mất, chẳng biết có phải
hợp vía bà như mẹ tôi nói hay không mà tôi vẫn gặp bà xuốt trong những giấc mơ
của mình. Nó đều đặn tới mức có những lúc len lỏi trong giấc ngủ, tôi cứ ngỡ
như mình vẫn đang được sống trong những ngày tháng cũ nơi căn nhà cấp bốn nho
nhỏ nằm lọt thỏm giữa khu vườn rộng thênh thang nơi có ông và bà tôi sáng tối vui
vẻ bên nhau.
Bà tôi mất hôm 28...28 Tết... Chả
hiểu sao hai người bà thân yêu của tôi lại cùng nhau mất trong những khoảng
ngày giáp Tết như thế ( bà nội tôi mất hôm 25 Tết). Nhưng đa phần bà con hàng
xóm đều nói ngoại thương con, thương cháu, để cấy hái xong xuôi, con cháu ở xa
về hết cả thì bà mới xuôi tay từ bỏ cõi trần tục.
Những ngày cuối đời bà tôi chỉ nằm
một chỗ, đầu óc lẫn nặng, hầu như chẳng nhận ra ai...thế mà hôm từ Hà Nội về tôi
rẽ vào thăm, bà lại nhận ra, điều đó khiến mẹ tôi ngạc nhiên lắm.
- Thằng con nhà Kiều đó hả? Học về
rối đá? Cơm ở dưới bếp ý có đói thì xuống lục mà ăn
Tôi thừa biết dưới bếp chẳng có
gì ngoài đống tro lạnh nhưng cũng cứ giả vờ như hồi cấp ba mỗi lần đói là ra
ngoại lục nồi cá kho mặn chát dưới bếp:
- Cá kho bà nấu cháu ăn hết rồi,
bà còn gì nữa không để cháu ăn nốt một thể
Chẳng biết nghe hay không nhưng
thấy ngoại mắt nhắm nghiền rồi gật gật ậm ừ trong cuống họng, tôi bất giác cười
cười.
Rạng sáng hôm sau bà mất. Ông anh
nhà bác nói bà bị xuất huyết dạ dày, 4 rưỡi gần 5 giờ sáng tính đưa bà đi xuống
viện huyện, nhưng chẳng biết có phải bà không muốn mất dọc đường hay không mà
con taxi duy nhất của xã đang trên đường tới đón thì bị trục trặc. Để rồi chẳng
lâu sau bà đi. Nhẹ nhàng như một chiếc lá cuối đông chao đảo từ từ về với đất.
Bà tôi số an nhàn lắm, đến cái chết
cũng an nhàn tới quá độ, chẳng lo lắng, chẳng âu lo, đi là đi thế. Trong những
giấc mơ của tôi thực ra chẳng có gì mới lạ, nó như đống hồi ức vô tình bị thời
gian và cuộc sống vồn vã che lấp, nay khi mất mát vừa đủ thì trở thành một chiếc
máy chiếu, dọi thằng vào tâm can tôi, những giấc mơ tái hiện chính kỷ niệm ấu
thơ của đời mình . Giấc mớ đưa tôi về cái khoảng sân nho nhỏ nơi ngót chục đứa
cháu của ông bà nô đùa chọc ghẹo nhau khóc chí chóe, về căn nhà 5 gian nơi có
ông tôi ngồi đan rổ, xảo trong mỗi trưa hè hay cái chuồng trâu mỗi độ ra chơi
bà nhờ rút rơm cho em nghé, về khu vườn cây quang đãng ngày xưa với cây thị già
tới 3 thằng như tôi ôm chả đủ, cây vú sữa cứ hè sang là lấp lánh mặt xanh mặt
nâu để lộ những quả tròn, to tướng, căng phè và bóng nhẫy, cây xoài to lù lù
tôi chưa một lần dám trèo vì thân nó cao thẳng đứng không một ụ bám hay những
cây ổi, cây mít tới mùa là thơm nức cả lòng mề. Cứ mỗi độ chúng tôi ra là bà lại
xúi cho lên vườn tìm quả. Phải nói trước là bà tôi là một “con buôn” chính hiệu
bởi trong tay bà không loài quả nào là không được bà mang ra chợ để kiếm thêm đồng
ra đồng vào. Thế nhưng với con cháu thì khác, bà chả giữ, đứa nào ăn được thì
trèo ăn, ăn mấy cũng được, kèo dư dư thêm cho bà chút mai bà mang ra chợ bán là
ok.
Hồi bà còn sống tôi ưa ra cái góc
bếp của bà. Một căn bếp nhỏ tý ty đen thùi lùi mầu khói với 2 cái ông kiềng 3
chân lúc nào cũng ấm nóng. Bà thuộc người phục nữ ngày xưa, tần tảo và tiết kiệm,
hẳn thế mà món cá của bà kho lần nào cũng đóng một lớp muối trắng xóa trên bề mặt,
bà quên mất chẳng còn như ngày xưa nữa để mà ăn kiêm ăn khem nhưng quen rồi, mà
thói quen của người già thì khó bỏ lắm nên chẳng ai nói gì bà. Tôi thường gạ bà
kể những chuyện đời, chuyện làng, chuyện về bà Thành Thị có điệu cười điên dại
đầu cổng chợ, về ông Tấu người nhỏ thó mặt quắt queo bước đi tập tễnh có giọng
nói chẳng tròn tiếng mà bố mẹ thường lôi ra dọa mỗi độ trẻ con nghịch hư, về o
Câm nhưng có thể nói đôi ba chữ với giọng ngọng líu ngọng lô dưới đầu xóm tóc
tai bù xù, hễ nổi máu tam bành lên là sẵn sàng cầm liềm mổ thẳng vào đối
phương, đó là những nhân vật huyền thoại mà đứa con nít nào trong làng tôi ngày
ấy cũng khiếp đảm, nhưng rồi dưới giọng kể của bà tôi lại thấy họ quả là những
kẻ đáng thương, những con người tội nghiệp. Đôi khi mãi cơi cái bếp lửa bà quên
bẵng đi câu chuyện tới đâu mãi cho tới lúc tôi nhắc thì bà lại mới món mém quệt
vết trầu trên môi rồi kể tiếp. Bếp lửa nay lạnh lẽo vì chẳng còn ai cơi nữa, bà
đi rồi ông ở với bác trưởng nhớ nhà, nhớ bà một mưc đòi về, chắc ông cũng chẳng
đủ sức mà ngồi dậy xuống bếp, mà có đủ sức chăng nữa các bác, các cậu cũng chẳng
cho xuống nên giờ căn bếp như bỏ hoang…lạnh lẽo và trơ vơ giữa một khối lớn kỷ
niệm…
Những ngày đầu học đại học, về
quê là tôi lại chạy ra với ông bà. Khoảng thời gian này mắt bà kém đi hẳn, đầu
óc bắt đầu lẩn, lúc nhớ lúc quên nên đôi khi bà nói chuyện ngô nghê như một đứa
trẻ vậy. Thế nhưng đây lại là những ngày tháng tôi nhớ nhất về bà. Mỗi lần ra
thăm, bà gọi tôi vào buồng rồi lén lén dúi cho tôi hôm 3 nghìn, hôm thì năm
nghìn tiền lẻ, tôi đoán chắc đây là tiền bà bán được từ mớ hoa quả rụng trên vườn.
Con cháu lớn, đi cả rồi chẳng còn đứa nào kèo hái trái chín cây hộ bà nữa, thế
nhưng thói quen của người già, hôm nào bà cũng cầm chiếc rổ nhỏ lên nhặt. Bà giấu
kín cuộn tiền lẻ dưới gối rút rút ra rồi dúi vào tay tôi, bà nói cầm lấy mà xuống
Lèn ăn chè, bà cho. Lèn là thị trấn huyện tôi, cách nhà tôi chừng gần chục cây
số, tất nhiên bà vẫn tưởng tôi còn học cấp ba ngày đạp xe 4, 5 chuyến đi học rồi
đạp về ăn cơm nhà cho đỡ tốn tiền ra chợ thế nên bà thương thằng cháu học xa
lén ông cho để tôi có thêm miếng quà miếng bánh, mỗi độ thế tôi cảm động muốn
khóc, cười cười rồi lại dúi tiền vào túi bà giả vờ bảo mẹ cháu cho cháu rồi.
Hôm đưa bà ra đồng trời điểm lớt
phớt mưa. Cái mưa xuân chẳng ướt nổi áo đứa con nít chạy vội nhưng chốc chốc lại
điểm hạt rầm rì buồn tới tê tái. Bà nằm trong chiếc áo quan trảm rồng trảm phượng
đẹp lắm. Cả một đời tần tảo với chồng với con tôi nghĩ bà sẽ vui lắm khi được
con cháu khoác cho tấm áo quan long lanh đến vậy. Khóc cũng đủ, thương cũng đủ,
khi thời gian đã cạn thì con người lại trở về với cát bụi đó là quy luật và
không ai có thể tránh được nó. Tôi chỉ cầu mong sau cái cõi trần tạm bợ này bà
sẽ lại được về với miền cực lạc nào đó như trong mấy cuốn sách thiền, sách phật
ông tôi hay đọc nói đến. Đôi khi trong giấc mơ, bất giác nhớ ra rằng bà đã mất
tôi vẫn khóc, cổ vẫn cứ ứ chát vị tiếc thương và mắt vẫn cảm giác nhòe đi như
hôm người ta hạ bà xuống huyệt sâu vậy. Nhưng rồi khi tỉnh dậy tôi không thấy
chiếc gối ướt nhèm như những bộ phim vẫn thường quay trên ti vi, tôi mới bất
giác nhận ra cảm xúc mới chính là thứ kéo con người ta tới gần nhau nhất. Và
khoảng cách giữa sự sống và cái chết dù có xa tới cỡ nào cũng không đủ để tình
cảm yêu thương đó đưa con người lại gần với nhau. Với tôi lúc này không chỉ có
bà ngoại mà cả bà nội tôi nữa họ luôn sống trong những ký ức tuổi thơ ngọt ngào
mùi lúa trổ bông của tôi. Và chính điều đó khiến tôi có cảm giác như tôi luôn gần
các bà và các bà thì luôn dõi theo tôi.
Hôm nay trong giấc ngủ trưa ngắn
ngủi tôi lại mơ về bà... vẫn hiền từ và trìu mến như thế nó khiến tôi phải vội
vàng ghi lại cảm xúc của mình. ra giấy.. "Ngày bình thường của một đứa
cháu bình thường... nhớ bà lắm bà ạ!!!"