Đời người và những chuyến tàu ly biệt

Ai rồi cũng phải kinh qua cái khoảnh khắc ấy một lần trong đời, sớm hay muộn, chóng vánh hay bịn rịn mãi không muốn rời xa nhưng rồi cái thời khắc ấy nó cũng sẽ tới và đưa một ai đó đang gần gũi thân quen với bạn tới một nơi xa tít tắp…

Tuổi của ta là tuổi của trái tim

Người ta nói rằng với phụ nữ, chỉ nên nhớ ngày sinh nhật và hãy quên đi năm sinh của họ. Nhưng tôi nhận ra điều đó không chỉ đúng với phụ nữ.

Này, em có cô đơn không?

Những người hiểu rõ nỗi cô đơn phải chăng là những người ở trong nó? Những người luôn nói về nỗi cô đơn liệu có phải là những kẻ cô đơn thực sự?

Tháng 7 dài như một giấc chiêm bao

Chẳng rõ hạ đã nói lời từ biệt hay chưa nữa nhưng tháng 7 đến gõ nhẹ bên hiên nhà những hạt rơi lách tách, tắm dịu cả cái ngột ngạt của Hà Thành sau chuỗi ngày như thiêu như rụi...

Bà ngoại tôi

Từ ngày bà mất, chẳng biết có phải hợp vía bà như mẹ tôi nói hay không mà tôi vẫn gặp bà xuốt trong những giấc mơ của mình. Nó đều đặn tới mức có những lúc len lỏi trong giấc ngủ, tôi cứ ngỡ...

Pháo Tết xưa

Năm 1994, chính phủ sức thông tri cấm kị việc sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ. Sự ấy đặt dấu chấm hết cho những tiếng đì đùng vào mỗi dịp tết đến xuân về cùng những bộn bề song hỉ lâm môn. Đến nay đã hai mươi tư năm, thời gian đủ để một con người trưởng thành và quốc gia câm bặt những hân hoan trọng thể.



Thủa ấu nhi, cứ đến rằm tháng chạp là mẹ tôi khuân ở đâu về hai dây pháo, lúc thì Điện Quang, khi thì Bình Đà. Bà bảo đây là pháo nhà nước chia cho cán bộ đốt mừng đảng mừng xuân theo tiêu chuẩn. Hai dây pháo được gói gém cẩn mật bằng giấy báo rồi gá lên gác bếp mà hong cho giòn giã. Một bánh sẽ được đốt hôm hăm ba để tiễn Táo Công, một bánh giành cho giao thừa. Năm nào cũng như năm nào, sao y còn hơn bản chính.

Ấy nhưng ở cái làng tôi, họ đốt rả rích đến tận rằm tháng giêng. Không biết ở đâu ra mà nhiều pháo thế? Chửa kể nổ rất kêu và khói thời thơm mù mịt, khác hẳn với pháo nhà tôi, ì xèo lẹt đẹt và khói thì khét lẹt. Bố tôi bảo, ấy là pháo người ta tự làm, còn pháo nhà tôi là pháo quốc doanh, cháy được đã là may chứ mong chi thủng nhĩ. Má ôi, thảo nào mà đít quả nào quả nấy tinh những nhựa thông và cát mịn, thuốc pháo chỉ có tí ti, lại thâm xì.

Tôi quyết chí điều nghiên và học cách người ta làm pháo tết nhưng chẳng ai chỉ cho bởi đó là pháo lậu, làm ra hệt đi buôn bạc giả. Buồn bã nên tôi mang cái tâm tình đó mà nhăn nhó với bọn đồng ấu trường làng. Chúng đều ú ớ kiểu Việt gian cả nhưng lại mách cho tôi chỗ ngươi ta bán thuốc, thứ thiết yếu cho những to nhỏ đùng đoàng.

Đó là một ngôi nhà gỗ bé như lỗ mũi được lợp giấy dầu cuối đồi thông ngoài phố huyện. Chủ nhân ngoại ngũ tuần, mặt bợt bạt những mảng trắng rỗ ra nhớp nháp như thạch cao. Thấy bảo cơ sự là bị bỏng thuốc pháo. Ôi dào, xưa nay sinh nghề tử nghiệp nghĩ cũng là thường.

Tôi khảo giá còn kỹ hơn cả con buôn, nào thuốc đen nhiều phân dơi thấp cao thế nào với thuốc trắng lắm phốt - pho, nào ngòi nhỏ ngòi to, cháy nhanh cháy chậm bao tiền một chục. Nhưng thứ chính yếu nhất là tôi bắt người ta dạy cho cách cuốn pháo bởi chẳng biết làm thì mua thuốc để mà gì cho phí công đi.

Hóa ra thì cũng dễ. Chỉ cần vót tròn cái đầu đũa tre sao cho to bé, vắn dài hài hòa với từng loại pháo. Đại để pháo tôm pháo tép nhỉnh hơn cái ruột bút bi là đạt, pháo đùng pháo đoàng thì xoay đầu to mà cuốn là thành. Lõi pháo thì dùng giấy mà dọc ra, cỡ ba - bốn phân bề ngang là hoành tráng. Và giấy báo luôn được khuyến cáo là rất ăn thua bởi độ giòn dai và nổ thì cực kỳ banh xác, chứ mấy thứ giấy giáo khoa mới lại ô - ly sách vở học trò thời không ra gì vì nổ xé kém xa.

Xong phần công nghệ thì đến lượt phải thuyết phục chủ đầu tư cấp vốn cho làm pháo. Lần nào đả động đến thì mẹ tôi cũng gạt đi vì bà muốn tôi tập trung vào lợn gà cám bã chứ vì dăm ba quả pháo mà ngơ ngáo công việc là mất nết vô song, chửa kể những lòng vòng rủi ro banh xác. Tôi thì luôn hứa vẫn sẽ chu toàn mọi nhẽ, thậm chí nỗ lực còn có phần hơn nhưng bà đều chả vờ điếc lác coi như cỏ rác. Nhưng có hề chi, hễ cứ thấy bóng bà đâu là tôi bâu vào như nhặng, vo ve thề thốt đủ điều cốt để bà moi diều ra dăm ba hào lẻ.

Phải đến khi bố tôi thấy sốt ruột mà phán rằng, tết năm nay mừng thọ bà nội, nhẽ cũng nên có thêm đôi bánh mà giòn giã chào mừng. Chứ như cái tang pháo bao cấp quốc doanh kia, nổ cứ lịt phịt rồi âm thầm tắt ngấm thì e cái tuổi thọ của bà đâm ra hao tổn. Mẹ tôi chả hiểu động lòng hay xung phong hiếu thảo mà nghệt mặt ra, rồi phán, phải làm cho cẩn thận, nghe chưa?

Hai lạng thuốc pháo trong được gói bằng túi ni - lông, ngoài được bao bằng giấy xi - măng hết sức cẩn mật. Tôi được dặn đi dặn lại cái quy trình bảo quản cũng như thi công, rằng tránh xa thủy - hỏa còn thổ thì ngồi chỗ kín đáo mà làm. Gớm chết chết, phong thủy thần tình kinh lên được.



Sách báo cũ tôi nhặt nhạnh gom góp bằng cách thâm canh khắp nơi mọi xó và tăng năng xuất bằng việc tích cực cầm nhầm. Bá đạo hơn là còn thó luôn bài kiểm tra bố mẹ tôi thu về nhà mà chưa kịp chấm bởi với tôi lúc đó cái roi mây chả nghĩa lý gì khi so với những dây pháo treo cao. Sự nghiệp suýt nữa thì đổ xuống ao chuôm khi tôi đem thuốc pháo ra đảo trên chảo gang bởi cái tiết giời nồm ẩm. Nhiều anh hùng đã hy sinh vì pháo, chả cao cả lắm hay sao? Hiuhiu…!!!

Hai dây pháo, mỗi dây dễ dài đến hơn một mét được tôi tết ngay ngắnvà đều chằn chặn. Những nham nhở của lõi pháo bằng giấy báo và sách vở học trò được tôi sơn phết lên bởi màu tím lịm của lọ mực Hồng Hà. Tôi gói gém nâng niu hệt cái cách người ta quấn tã cho sơ sinh ngày đông giá rồi đem vùi vào bồ thóc nhưng ngày nào cũng moi ra ngắm nghía dỗ dành. Nhiều bận không cưỡng được hoan hỉ nên cũng tháo chỉ gỡ đôi ba quả ra châm đốt đặng tận hưởng cái thành quả vô tiền khoáng hậu có một không hai.

Ngày trọng điểm, hai bánh pháo mậu dịch được đem ra đốt tiễn Táo Công. Gặp phải cái năm nhiều nồm ẩm nên nổ kêu như dắm tu chùa. Pháo đếch gì mà khi nổ chó cứ bâu vào hàng đàn liếm xác vờn nhau và chép thì sặc khói mà đột tử khi thẻ nhang còn đang cháy dở. Ôi chao, trông vào cảnh đó mà nghĩ đến sự huy hoàng của hai dây pháo tôi làm ra mà cực khoái trào lên như cơm sôi bén lửa.

Giao thừa, bố tôi đem bánh pháo treo vào cái dây phơi bằng thép trước hiên. Tay ông lăm lăm mồi lửa là thứ tàn tạ của miếng giẻ tẩm dầu được đốt khắp nhà để xua đuổi tà ma. Xì xì xì, đùng đoàng, đùng đoàng, xì xì xì…!!! Tiếng pháo giòn tan nổ như có nhịp có phách quện với mùi hương thơm và diệu vợi của đất trời như là một bản hoan ca thượng hạng.

Mẹ tôi mừng tuổi cho từng đứa, không quên khen tôi lần đầu biết làm pháo mà đã thạo nghề. Sẽ là vui hơn nếu con chó già vì sợ pháo mà trốn biệt đi đâu mãi mồng ba mới về.

Mừng bốn tết mừng thọ bà nội, tôi cháu đích tôn nên được ưu tiên châm pháo. Chao ôi, còn gì sung sướng hơn khi được tự tay đốt bỏ thành quả mà mình làm ra để mong bà sống lâu trăm tuổi. Sẽ là hạnh phúc vô biên nếu như con chó già vừa về được một ngày lại trốn biệt đi mãi tận đến mồng thất mà chửa chịu ló dạng.

Ngày hăm sáu tết năm sau đó, bà tôi đột ngột qua đời bởi một tai nạn sông nước khi xỉa chân xuống con mương cạnh nhà. Ai cũng nhìn tôi như phải tội. Ông trưởng họ còn có ý trách hờn cái việc tôi đốt pháo mừng thọ bà năm ngoái không được lòng hà bá lẫn thổ công. Đã thế, hai giây pháo tinh tươm thửa từ độ hanh hao được đào sâu giấu kỹ vào bồ thóc cũng bị bố tôi lôi ra vứt mất. Ông sợ lúc tang gia bối rối, cái thằng tôi tiếc của đem ra đốt cho bõ công thì làng nước người ta chửi cho bục mả.




Bà tôi thọ chẵn bách niên. Thật đúng với cái câu sống lâu trăm tuổi mà người ta chúc tụng lẫn ước ao chìm trong tiếng pháo năm nào.

Ba mùa kiêng cữ tang ma, nhà vắng đi tiếng pháo. Đùng phát chính phủ sức thông tri ban bố cấm kỵ, pháo đào tẩu thành công khỏi tết nhất quốc gia và cưới xin mỗi nhà. Phong vị dần mất đi để đổi lấy chút yên bình nhạt nhẽo. Đáng không? Quá đi chứ lị, bởi đất nước này luôn là những gian lao.

Giá như cấm cái gì cũng thành công như cấm pháo…!!!

- Phọt Phẹt - 

0 comments

Tháng tư sang rồi em biết không



Tháng tư sang rồi em biết không
Gió thêm vội vã, nắng thêm hồng
Có bầu trời trong màu nước lặng
Có người thầm gỡ những nhớ mong

Tháng 4 về rồi em thấy không
Lênh đênh một nẻo áng mây bồng
Dải đường trắng ngợp hương ly dại
Hỏi nắng qua lòng có tinh không?

0 comments

Viết cho em

Chúng ta của những ngày thu êm ả đó... vẫn ngát xanh cả một khoảng trời trong veo...

Có bao giờ em lại nhớ về những cơn mưa căng đầy hương hoa sữa hay li trà đá mát lạnh những chiều chủ nhật ngồi ăn xiên nướng bên nhau. Tôi và thành phố này vẫn thế, vẫn ồn ào những lời sáo rỗng, huyên thuyên như gã mộng du trong đêm buông màn màu bạc phếch, vẫn nhớ em như những ngày tình còn nồng đượm... Nhưng thành phố thì vẫn sống dưới từng vòng xe lăn, còn tôi đâu đó trong con tim ngô nghê đã chết đi một nửa... chết đi vì mảnh ghép còn thiếu xót, chết đi vì thương em, vì chia xa và vì những điều chưa thể cất thành lời. Chúng ta đến với nhau như định mệnh, rất đỗi tự nhiên và căng đầy nhựa sống nhưng rồi lại chia ly tựa một nốt lửng giữa khuôn nhạc chưa hoàn thành. Thành phố những ngày không em thật thiếu thốn, tôi lang thang mãi qua những nẻo mình từng cùng nhau đi qua, tẻ tắt vào những chốn hai đứa vẫn thường ngồi, bất chợt dừng lại khi nghe thấy một bài hát mà cả hai từng cùng thích... cũng chẳng dám mơ vô tình bắt gặp em ở đâu đó mà chỉ mong tìm thấy chút dư âm còn xót lại trong thành phố rộng lớn kia, cho trái tim bớt phần hoang hoải, cho tâm hồn nhẹ phần hanh hao... Thế nhưng sao đôi mắt lại thêm phần nặng trĩu...



Tôi chả thể diễn tả được nỗi nhớ em sâu rộng như thế nào, càng cố để bứt ra bản thân lại càng chìm sâu vào những ký ức xa xưa ấy, không đầu, không cuối. Em có đang nghe tiếng mưa rơi, có nghĩ về vòng tay sau xe bon bon lội ngược phố xá, có nhớ về căn gác gỗ những ngày mưa hay một chút gì đó về tôi sau những gì chúng ta đã từng trải... Chúng ta chỉ là những tâm bồn mỏng mảnh bị cuộc sống bóp méo giữa những nỗi buồn ngả nghiêng. Tôi thương em từ những cố chấp không tên, giận em vì những dại khờ nông nổi và xa em mà chẳng biết có phải số phận đã an bài. Nhưng tôi biết em còn thương tôi, cái chữ thương đọng dài trên đôi mắt trong veo, phủ một màu buồn đến tím tái cõi lòng những lần tôi nhốt mình vào đó, chữ thương dấu trong con tim dại điên chỉ ước một lần được nói ra mà không thể. Để rồi tôi chợt thấy rõ một điều, thứ đáng sợ không phải là chia tay mà đáng sợ hơn cả là chia tay rồi mà cả hai còn vấn vương trong từng nhịp thở, thấy một chiếc lá rơi cũng bay về tình cũ, nhìn một giọt mưa xa cũng thắc mắc về cuộc sống hiện tại của nhau... cái cảm giác ngột ngạt tới muốn thét lớn lên, chỉ cần nghĩ về nhau thôi khóe mắt đã trực trào mà khóc...
Đêm nay mưa lại phủ nhòa phố xá, như hơi thở của em những đêm không nhà, tôi lại nhớ em hơn sau bao ngày xa cách. Em và tôi đã hai ngả đường, giữa trăm vạn ngã của thành phố xù xì này từng có những ngả dẫn ta đến với nhau, nhưng định mệnh liệu có lần thứ hai cho những con tim lầm lỗi lại về một mái... Chiều nay gió về lùa từng mái ngói xào xạc xác lá, chiều nay tôi ngồi dưới hiên nhà mong em về những bình yên, những bình yên ươm mầm hạnh phúc... Tôi thương em dù em và tôi chẳng còn giữ lại được những ngày trái tim nguyên vẹn...
15/05/17

0 comments

Nghèo


Ôi tôi nghèo túng quá
Chả đủ tiền uống bia
Xăng vừa về cạn vạch
Quần rách thì lia thia

Ôi anh nghèo túng quá
Chẳng lấy một ước mơ
Sống nửa đời gần lẻ
Vẫn lạc loài bơ vơ

Tuổi trẻ nghèo túng quá
Nghèo tiền bạc, đam mê
Rồi chỉ vài năm nữa
Lại trong hòm vượt đê

Cơ mà đời chẳng túng
Cứ như chiều hôm nay
Thuốc lào mí trà mạn
Cũng đủ làm ta say 

#Mị

0 comments

Hạ có lạc mình vào những an nhiên

Những ngày cuối hạ trời dở dở ương ương, lúc mưa xối xả, lúc nắng vỡ đầu, lục lại oi nồng khó chịu như một chiếc lò vi sóng bị chập điện . Thành phố tự khi nào đã im bặt tiếng ve, là thật, tự dưng mất hẳn đi cái tiếng râm ran tới đinh tai nhức óc ấy của mùa hạ mà dường như chả mấy ai để ý, phải đến hôm nay ra ngồi buông thỏng chân xuống ban công nhìn về những ánh đèn vàng vọt ở bên kia thành phố thì ta cũng mới nhận ra cái thiếu thốn đó… bất giác thấy Hà Thanh tĩnh lặng quá , một cảm giác tĩnh lặng tới khó chịu… có cái gì đó thiếu thiếu, nhưng cố lục lọi ở xung quanh mãi vẫn chẳng thể tìm ra là đang thiếu cái gì… Tệ thật




Dạo này ngổn ngang quá. Mọi thứ cứ đan chéo vào nhau tựa ngã tư không đèn chiều tan sở… Đứng bên này đường nhìn sang kia, biết rằng đó là lối về nhà mình đó, nhưng nhác thấy người ta chen nhau từng mét đường, lại chả buồn về nữa, vòng xe lại tẻ tắt vào đâu đó ngồi thu lu một góc, ngón tay vân vê miệng cốc nước mát lạnh rồi lại ngóng mắt ra đời nhìn người ta đua nhau bơi trong cái hối hả của tiền tiền, gạo gạo. Thật chắc chẳng còn ai như ta...
Bản thân dường như cũng đang dần bất cần tất cả, những thứ dư thừa xung quanh, những mối quan hệ đang ngày càng hời hợt, hay những viễn vông chẳng giúp ích gì trong chuổi ngày sống ít ỏi còn lại... Lâu nay vẫn cầu toàn như thế, vẫn muốn mọi thứ thật trọn vẹn, thật tròn đầy, thế nên điều gì xung quan mang những khiếm khuyết dù chỉ là nhỏ nhắt cũng sẵn sàng để vứt bỏ không hối tiếc… Ngay cả các mối quan hệ giữa người với người xung quanh… Rồi cứ thế cứ thế ta lớn dần lên theo từng ngày, và cũng chắc bởi vì với một cơ thể lớn hơn cùng những cầu toàn tới ngu nguôi mà bản thân luồn lách trước những rắc rối đời thường có phần tệ hơn… Dính đòn, dính đòn và dính đòn lần nữa. Nó nhiều tới mức ta chẳng buồn quan tâm tới nữa, cứ mặc xác cho mọi thứ nó bủa vây như vậy, chẳng buồn vẫy vùng chẳng buồn kháng cự. Ơ thế mà cuối cùng mọi sự lại trở nên an nhiên hơn so với những lần cố gánh gồng với lại vùng vẫy, lạ thật…



Có nhiều thứ thật chẳng như mắt trần mình vẫn thấy, con người ta quả thật là giống loài phức tạp nhất mà tạo hóa đã từng nhào nặn, có những điều dối gian ngay trước mắt, có những thứ kệch cỡm muốn bóc trần ra, nhiều lắm, nhiều vô kể, cứ nghĩ trong bụng sao người ta có thể sống như thế được, thế nhưng nghĩ lại thì đó cũng là quyền lựa chọn cách sống của mỗi người, ta thời chẳng đủ thẩm quyền mà phán xét bất kể một ai, thế nên bất giác lại lo sợ mình trở nên nhỏ nhen đi trước quy tắc sống của bản thân bằng những để ý vụn vặt vào những điều trần tục tầm phào ấy… Rồi lại cười xòa cho qua, umh ta còn phải sống kiếp của chính ta nữa, sao lại phí hoài thời gian bằng những điều vụn vặt như vậy...
Mùa này chắc cũng sắp tắt nắng, những nẻo đường về chiều gió bắt đầu thổi hanh hao làm rối bung những vệ cây ven đường. Thành phố vừa lạ vừa quen như 8 niên nay mình vẫn từng đi đi về về như thế… chắc thời gian sắp tới sẽ chuẩn bị thật nhiều cho những đổi thay cũng mong sao cho những an nhiên vẫn đều đều gõ nhịp trong lòng ta như thế…
Cầu cho các bạn cũng thật nhiều an nhiên..

#Mị

0 comments

Cô Liêm

Cô Liêm là giáo viên dạy văn và cũng là cô giáo chủ nhiệm của tôi năm lớp 8. Cô là giáo làng, giáo làng chính hiệu. Ông bà cô ở cái xã nghèo nàn này, bố mẹ cô cũng ở đây rồi sang đời cô vẫn bám chẳng rời mảnh đất cằn cỗi chỉ mưa và nắng. Cũng như bao giáo làng khác ngoài khoảng thời gian đứng giảng trên trường cô lại quay về với cái chất nông dân lam lũ, mộc mạc mà cha mà mẹ cô đã sinh ra và để lại cho cô. Quê tôi nghèo, đồng lương giáo viên chả được mấy nên buổi làm giáo, buổi cô lại về úp mặt với ruộng với vườn, bởi vầy giáo viên thời cũng chẳng sướng hơn nông dân là mấy, chẳng thế mà cô lại mang một gương mặt đen xạm đầy tàn nhan, gò má cao và những nếp nhăn thì hằn xâu như được ai đó dùng đục mà khắc vào trán.



Cô Liêm hiền lắm, hiền tới mức mà nó tạo thành thương hiệu riêng của cô ở cả cái trường xã con con dảo ấy, nói đúng ra thì cô chính là mẫu giáo mà đám con trai tụi tôi hằng ao ước, cô chẳng bao giờ quát đứa nào một tiếng dù chúng nghịch gì chăng nữa, môi lần có chuyện là cô lại nhìn bọn tôi rồi cười hiền lắc lắc cái đầu nói “đừng thế nữa, bọn em biết nó không hay mà đúng không?” với bất kể ai cô cũng dùng ánh mắt ấy, với bất kể tội trạng nào cô cũng dùng nụ cười ấy và với bất kể lỗi lầm nào cô cũng dùng câu nói ấy, nó như một bùa trú chẳng cần những cái cốc đầu hay những lời quở trách mà vẫn hiệu nghiệm.
Ngày biết tin cô sẽ chủ nhiệm lớp mình đám tụi tôi hò hét như được mua cho thứ đồ chơi mới, tôi thời còn mừng hơn nữa, bởi lẽ ngoài cái việc được một cô giáo hiền từ như vậy chủ nhiệm cô là cô giáo dạy văn đầu tiên đồng hành cùng bọn tôi trong một năm học. Tôi là thằng ưa viết lách, văn luôn là môn giúp tôi vớt vát các môn còn lại trong khi xét điểm học sinh tiến tiến mỗi kỳ thế nên còn gì tuyệt hơn được một cô giáo dạy văn kèm cặp từng ngày có phỏng?
Và quả đúng như chúng tôi mong đợi, cô để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng chúng tôi, cô đọc nhiều nên hay kể chuyện vào mỗi giờ sinh hoạt 15 phút sáng hay sinh hoạt cuối tuần, những câu chuyện của cô chẳng có trong sách, hoặc có thể có nhưng đám con nít nhà quê chúng tôi chưa từng được đọc qua bao giờ nên thích thú lắm, cô kể cả những chuyện làng nữa, chuyện về cái chùa Cao linh thiêng ngay trên đỉnh núi sau trường, về cái giếng Nghè to nhất xã xây từ dảo còn phong kiến nhưng vì quy hoạch đường xá đã bị lấp đi gần hết để nay chỉ còn lại một khoanh miệng giếng nho nhỏ nằm ven bờ cỏ um tùm, rồi cô kể về chuyện người trong làng, những ông Tấu, bà Thành điên, những o Câm, Cố Như hay Thắng Ngây… toàn ư những số phận bất hạnh sống ngày này qua ngày khác với nỗi cô đơn, buồn tẻ, và hiu quạnh đến hết đời trong xóm 202 và thi thoảng cô cũng kể về chuyện đời cô nữa… Cô kể cho cả lớp tôi nghe dảo trước có người thương cô ngỏ lời xin cưới và hứa sẽ việc cho cô dưới trường huyện không chỉ thoát hẳn khỏi đồng ruộng mà lương lậu cũng ổn hơn nhưng cô không chịu. Cô bảo ai cũng đòi đi tới những chỗ tốt thì ai dạy tụi nhỏ nghèo như ở quê tôi, thế rồi cô khước từ, rồi khước từ luôn cả tình cảm của người ấy, cô kể cả về người chồng đi chiến trường của cô để lại đứa con nhỏ, biệt tẳm biệt tăm thi thoảng thấy đôi ba dòng gửi về rồi chẳng thấy nữa, sau chiến tranh cô cứ đợi mãi chả thấy chú về để cô gần hết đời người mòn mỏi chờ đợi từng ngày nuôi con khôn lớn… Những câu chuyện của cô đượm buồn nhưng dảo đó khơi dậy trong lòng tôi những điều mơ hồ rất, nó như một điều gì đó khắc khoải và vương vấn, có hum khiến tôi đêm nằm mà suy nghĩ về những câu chuyện đó cả đêm, đến khi ngủ quên đi giấc mơ vẫn vương vãi những nhân vật trong chuyện cô kể…
Ấy thế nhưng điều tôi nhớ nhất về cô lại đến trong một kỷ niệm buồn… Gần cuối học kỳ một năm đó trường tôi có tổ chức thi học sinh giỏi các môn để chọn người ra đi thi Huyện, hum đang ngồi trong lớp tôi thấy con bạn phi thẳng vào báo tôi có tên trong danh sách thi Văn xét tuyển dưới bảng tin đầu cổng trường, bỡ ngỡ rất, bởi tôi chẳng bao giờ lại đi đăng ký mấy thứ đó cả, tôi vốn không thích thi mí cử từ trước, với nữa bọn học văn trong trường toàn bọn siêu, đâu đến lượt. Thắc mắc mãi mới hay rằng thằng bạn nó lấy tên tôi ghi vào khi nó đăng ký thi toán, chả phải vì tài cán gì của tôi mà nó chỉ định chọc tôi thôi. Cơ mà đến buổi sinh hoạt cô cứ khen tôi dũng cảm này nọ khiến tôi cảm thấy ngọt tai, rồi khi cái sĩ diện nó lên tiếng thì tôi tôi tặc lưỡi mặc kệ liều thử
Ngày công bố kết quả tôi đứng đầu danh sách 18 người thi với 11 điểm, điều mà ngay cả tôi cũng không ngờ nổi. Cô gặp tôi mừng rỡ, cứ tuyên dương đi tuyên dương lại trước lớp trong khi mấy thằng thi toán, lý, hóa cô chỉ lướt qua (mấy thằng này thuộc dạng khủng của trường) điều đó làm tôi ngượng chín cả mặt. Kể từ đó chiều nào cũng như chiều nào cô bắt tôi đạp xe qua nhà cô để cô kèm thêm cho tôi trước khi đến kỳ xét duyệt đợt 2 chọn ra 2 người đi thi huyện. 
Cô ở trong căn nhà ngói nho nhỏ nằm tận gần cuối ngõ của làng bên, mà chẳng biết nó là cái ngõ hay là đường đồi nữa tôi chỉ biết tôi đạp xe cong cả đít chẳng lên được tới nơi toàn phải xuống dở chừng dắt xe lên nốt, miêng thở hồng hộc. Người con duy nhất của cô đã có gia đình còn ư mỗi cô ở một mình, cái căn nhà 3 gian nằm im lìm với phía trái nhà là một ụ rơm to, xích lên chút là cái chuồng trâu, trước nhà là vườn rau xanh mướt còn sau là vườn rộng mênh mông… Vào nhà cô chẳng có gì đáng giá, thấy chỉ ư toàn sách là sách, cô nói đó là tài sản của cô, ngoài con chữ ra cô chẳng có gì là giàu có bởi thế nên cô muốn truyền hết cái con chữ cho những học trò của mình, mỗi lần nói về sách, về chữ cô lại vuốt vuốt tóc tôi, còn con nít tôi cũng chả hiểu mấy chỉ biết cười cười đáp trả. Cô đưa cho tôi nhiều sách lắm, toàn sách nâng cao, cô bắt tôi làm hằng ngày, cô bắt tôi đọc nhiều sách nâng cao hơn, bảo tôi hãy đọc cách mà người ta viết và học hỏi cách dùng từ, dùng câu của họ, kiến thức trong từng tác phẩm là chung nhau còn từ ngữ của mỗi người vận dụng và lối hành văn là riêng tùy theo tâm hồn cảm nhận của họ nên hãy đọc cùng một bài phân tích nhưng của nhiều người khác nhau để thấy cái hay mà đúc rút. Nhưng cái đầu óc thơ dại của tôi dảo ý lại không hiểu ý cô, tôi vận dụng lời dạy của cô một cách máy móc thay bằng việc xem cái hay của họ mà học hỏi thì tôi lại như một chiếc máy photo đi cop lại bằng cách…học thuộc lòng… Điều đó khiến bài thi thứ hai của tôi được tôi sáng tạo ra bằng cách chắp vá từng đoạn tôi xem là hay nhất vào trong một bài và bởi vì chỉ việc chép lại nên tôi luôn ngoe nguẩy vì tự đặc rằng cái hay trong tất cả cái hay thể nào chả được lọt

Thế nhưng ngày công bố điểm xét duyệt lần hai bài viết của tôi bị đánh trượt, và tất nhiên cô là người buồn hơn cả… Cô đưa bài viết cho tôi xem với câu nhận xét đỏ thắm trên phần phê bình “Qúa rời rạc”. Cô hỏi:
-          Lần trước em cũng đi chép đúng không?
Tôi không trả lời rồi tự dưng ứa nước mắt, cô thấy vậy kéo tôi lại xoa đầu nói tiếp:
-          Đừng khóc, em không sai, nhưng dù thế nào đi chăng nữa em là con trai nên hãy là sống thật chính trực, lấy đồ của người khác để tư lợi cho mình là điều không nên, em biết điều đó mà phải không?
Chuyến này nghe cô nói xong tôi ấm ức mà nấc hẳn, tôi vừa kể vừa nấc tôi bảo tôi không ăn cắp, tôi kể bài viết trước hoàn toàn là của tôi, tôi kể tôi chỉ chọn ra những đoạn hay nhất để tôi viết lại chư tôi không có ý tư lợi gì cả… Mắt cô trùng hẳn xuống, cô lấy tay quệt nước mắt tôi rồi ôm tôi và xin lỗi vì đã hiểu nhầm. Tôi thoảng nghe tiếng cô xụt xịt nhè nhẹ bên tai, nhẽ cô cũng khóc.
Năm học gần kết thúc chúng tôi mới hay tin cô xin nghỉ hưu sớm, ngày bế giảng cô lên chào lớp để về với ruộng vườn, cũng ở cùng xã thôi thế mà chả hiểu sao mấy đứa con gái cũng khóc rưng rức, tôi thì tất nhiên mặt tiu ngỉu. Giờ về cô gọi tôi lại, tặng tôi một cuốn văn nâng cao lớp 9 và mỉm cười:
-          Hãy trân trọng con chữ nhé! Và lại xoa đầu tôi.
Ào cái đã hơn chục năm, về quê thi thoảng vẫn gặp cô đi chợ, vẫn người gầy gầy dong dỏng, gò má cao và gương mặt đen xạm, ánh mắt thì lúc nào cũng hiền từ như trước chỉ có điều tóc nay đã bạc hơn nhiều và những nếp nhăn thì khắc xâu hơn trước. Mỗi độ thấy cô là tôi lại chào thật to, cô vẫn nhớ tôi và mừng khi biết dạo này tôi viết nhiều hơn trước. Chả biết sống như tôi có được xem là chính trực hay chưa nhưng tôi thì tôi luôn trân trọng con chữ. Điều đó làm mỗi lần tôi gặp cô tôi không có cảm giác áy náy gì với chuyện xưa hay với cô cả, đó lại khiến cái kỷ niệm của tôi về cô thêm đẹp.  Và cô thì tất nhiên vẫn luôn hiền như thế, ngoại trừ việc là tôi đủ lớn để mỗi khi gặp cô không còn phải đưa tay xoa đầu nữa…

M!


0 comments

Mùa gặt

Dảo nhỏ, cứ mỗi độ nắng đổ vàng những ngọn bàng trước cổng nhà là tôi biết mùa gặt sắp đến. Mùa gặt là mùa chả mấy vui vẻ gì với đám trẻ ham chơi tụi tôi, lẽ ra sau những ngày tháng úp mặt vào sách vở và những đạo lí chán ngắt mà thầy cô bắt tụi tôi nhồi ở trường thì mùa hè này phải là thời gian để chúng tôi thỏa thê tắm đập hay tận hưởng những trưa không ngủ đi lùng xục đám chim non hay rủ nhau đi ăn trộm hoa quả mới phải. Ấy thế mà chả ít thì nhiều chúng tôi cũng mất mất nửa tháng cho gặt hái và thu hoạch và rồi mất thêm nửa tháng nữa để cho phơi phóng các kiểu, nghe thế có chán không?



Vụ tháng 5 luôn là vụ chính với người nông dân quê tôi (còn các quê khác dư lào tôi không biết hehe) không chỉ bởi vụ này nhà nào cũng cấy nhiều, cũng phải thu hoạch nhiều mà vụ này là vụ lúa trên đồng cho đến thóc về nhà no nắng nhất, hương của gạo cũng nhờ thế mà thơm. Người quê tôi dảo nghèo xơ xác, ngoài bám ruộng bám đồng, thì chỉ có đi làm ăn thật xa trong mãi mạn Bình Dương, Sài Gòn thì mới có tiền, mà người trước nói xa làng xa quê đâu có dễ, bởi thế mà mùa gặt luôn được xem như một mùa quan trọng nhất trong năm, quan trọng hơn cả Tết. 
Mỗi độ lúa ngả vàng, đồng áng luôn đông vui nhộn nhịp. Người ta đi gặt từ 4 giờ sáng, khi con gà trống thiến xót nhà tôi còn chưa kịp gáy be be, khi ngọn dừa trước cổng cao đến thế vẫn chưa nhìn thấy mặt trời đâu thì ngoài đường đã dậm dịch tiếng các bà các mẹ quẩy quang gánh ra đồng. Con nít chúng tôi tất nhiên, cũng bị vực dậy, tôi vẫn nhớ như in câu nói bố tôi vẫn dùng mỗi sáng "hết thời gian chây lười rồi, dậy thôi". Mẹ tôi thì thường dậy sớm hơn lo cơm nước rồi lợn gà xong xuôi, ăn nhanh bát cơm, rồi bắt đầu mới vào dục nốt cái ngái ngủ của mấy anh em. Quê tôi dảo chưa có tục thuê mướn, với lại chả có tiền để thuê, nên người này đi gặt cho nhà người kia và hum sau người kia lại đi trả công lại, nó thành cái nét văn hóa đẹp, bởi đó chính là cách mà con người ta giao tiếp và gắn kết với nhau trong tình làng nghĩa xóm hehe Ấy thế nên cái ruộng dài cả mẫu cũng chỉ vỏn vẹn xong trong buổi sáng. Lúa cứ từ ruộng lên bờ rồi từ bờ được những người đàn ông và lũ nhỏ thồ thằng về nhà.
Người nhà quê thì ai cũng tham công tiếc việc, thấy ruộng nhà háng xóm gặt rồi mà ruộng mình chưa kịp gặt là lo. Mẹ tôi bảo "gặt chậm thì lúa chín quá rũ cả bông thành ra hạt dễ rụng, khi thu hoạch về hạt đi đường rơi hết thành phí của. Mới nữa người ta gặt hết đồng không đồng chống chuột bọ lại chui hết vào ruộng mình mà ẩn nấp, rồi cái đám trẻ chăn châu lùng chuột đồng, lùng ếch nhai nó tha đấy, nó chả vào quần nát". Thế nên cứ có người xuống ruộng gặt cái là mấy nhà liền bờ cũng theo nhau gặt luôn... Đi gặt ngày mùa mới độ 7 rưỡi, 8 giờ là nắng chang chang, cái nắng miền trung thì gắt lắm nhưng dường như các mẹ chả biết mệt cứ gặt rồi gánh thóc phăng phăng.. mãi độ 10 rưỡi khi cơn nắng đốt héo rũ cả lá cây xấu hổ thì đồng mới thưa người... Cực cực là... 
Tôi nói là ghét mùa gặt thế chứ mỗi độ gặt về con nít làng có cả ối trò hay. Đi gặt giúp bố mẹ chả được mấy chỉ thấy cả buổi đuổi bằng được con châu chấu rồi xâu thành xâu đeo lên cổ khoe như chiến lợi phẩm, cái ruột cây lúa có thể làm được nhiều trò hay nhé, nào là bấc kèn thổi te te cho đến làm mũi tên bắn xa tít, rồi cả lũ chiền chiện làm tổ giữa ruộng nữa, đó mới là món quà tôi mong nhất... Chiền chiện thường dùng rác và quần một túm thân lúa lại với nhau để đan thành tổ. Đám chiền chiện nhỏ người nên tổ cũng chẳng lớn, độ 3 cụm lúa là tạo thành cái tổ chắc đét, nít quê thì còn gì thích bằng chim, mỗi độ đồng về mà vác theo được tổ chiền chiện là cả đám còn lại thèm thuồng, ấy thế nhưng nuôi chiền chiện thì chả dễ, thế nên thường thằng nào cũng thế cứ mang về nhà được hai hôm là bỏn nghẻo cả, buồn đến thối ruột. 



Ngày đi gặt nhưng đêm vẫn là nghỉ hè thực sự. Con nít quê có đủ trò nghịch khi ở cạnh nhau. Cả làng vào mùa là thơm mùi rơm mới. Cái mùi nhẽ chả đứa con nít nào ở quê lớn lên có thể quên được, nó ngọt ngào và thoang thoảng cả cái tháng 5 cho đến hết tuổi thơ, rồi vương vấn tới tận bây giờ. Rơm ở khắp mọi nẻo đường, rơm phơi khô không chỉ để nấu bếp mà còn là lương thực của trâu bò và làm gio ủ phân rải ruộng cho vụ đến, thê nên chả nhà ai bỏ. Con nít chúng tôi thì coi đó như những lô cốt trận địa, những pha vật lộn, những trận tử chiến hay các pha biểu diễn hành động đều có thể diễn ra tại những ụ rơm như thế này, thế rồi mồ hôi mồ kê nhễ nhãi, rơm ngứa gãi đành đạch về cũng chả thèm tắm leo lên giường ngủ, hương rơm cứ gọi là đượm cả vào giấc mơ hehe. 
Còn những ngày chạy thóc khi trời đổ mưa vội nữa cũng hay. Thóc thì thường phơi theo mẻ, bởi người nông dân không trồng một loại, thóc để ăn khác, thóc bán khác và vì thế nên phơi phóng của phải chia làm nhiều mẻ tránh để lộn. Ít nhất thóc gặt về cũng phải phơi được một nắng thì mới yên tâm không sợ nẩy mầm hay mốc. Tôi thề dảo tôi ghét cái sân gạch nhà tôi một phần là vì thế, bình thường trông nó đã rộng thênh thang rồi đến mùa phơi thóc nó lại càng rộng. Sân gạch thì có từng ô, chứ không bằng phẳng, hạt thóc rơi vào kẽ gạch là dùng chổi quét mãi mới lên, cái sân thóc phải mất cả tiếng đồng hồ, nên mỗi độ mưa vội mà chỉ có bà nội và mấy anh em ở nhà là xác định đút nút hốc thoát nước trước rồi chạy đến đâu thì chạy. Gạo muốn trắng muốn thơm thì thóc ít ra cũng phải phơi được 3 nắng, đủ cho khi bỏ hạt thóc vào miêng cắn nhẹ nghe tách một cái, trấu đi đường trấu, hạt đi đường hạt thì là ok có thể mang đổ giương trữ chờ ngày đi sát. Còn mẻ nào để bán thì tất nhiên công thức khác chút, phơi 2 nắng thôi để hạt cân cho còn nặng, bán còn được năng xuất hehe
Con nít nhà quê lớn lên gắn liền với đồng với ruộng với những vất vả của một nắng hai sương nên hạt cơm ăn rơi ra cũng được bố mẹ dạy nhặt lên đút vào miêng ăn tiếp. Đó chẳng phải tiết kiệm hay nghèo khó gì mà là dạy cho bọn tôi biết quý công lao làm nên hạt gạo. Xa quê cả chục năm trời tôi vẫn giữ cái cách bố dạy nhặt hạt cơm rơi vãi đó, thi thoảng có dịp vẫn ghé về quê, nhưng mùa gặt thì chẳng còn được về mà ngửi mùi rơm nữa. Bây giờ thì máy móc các kiểu cũng đỡ khối cho bà con nhưng mỗi khi tháng 5 cạn dần như thế này là tôi lại nhớ tiếng í ới gọi nhau giữa đồng vàng ánh nắng của các bà các mẹ. Mong năm nay bà con lại được mùa...
M!

0 comments